Hong Duc University shapes your future!

Hội thảo khoa học Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc”

Cập nhật lúc: 08:06 SA ngày 28/05/2019

Sáng 25/5/2019, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc”.

 

PGS.TS.Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học,
Tổng biên tập Tạp chí Văn học phát biểu chủ trì Hội thảo

Tới dự có TS. Hoàng Bá Tường – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương – Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; các học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo như: Viện Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Thủ đô HN, Trường ĐHSPHN2, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Trường Cao đẳng Hải Dương, Trường ĐH Văn hóa thể thao và du lịch Thanh Hóa, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Trường ĐH Khánh Hòa, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Thủ Dầu Một… và nhiều trường THPT ở nhiều địa phương trên cả nước.

 Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS. Hoàng Thị Mai – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các đơn vị, đoàn thể cấp trường, đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn trường.

PGS.TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội Thảo

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học luôn được Trường Đại học Hồng Đức quan tâm, chú trọng, đặc biệt là nghiên cứu văn học về đề tài lịch sử để nhận diện, lý giải, đánh giá những thành tựu và giới hạn, khích lệ người sáng tác, hướng tới những tác phẩm có giá trị và có thể đến gần hơn với độc giả số đông trong tương lai. Nghiên cứu – giảng dạy văn học về đề tài lịch sử còn là cơ sở để hướng tới những đề xuất cho việc đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử trong nhà trường các cấp sao cho ngày càng nhiều người học quan tâm, yêu thích và có kiến thức vững vàng, phong phú hơn về lịch sử dân tộc.

Đại tá, Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội
phát biểu tại Hội thảo

Với ý tưởng đó, sau gần 1 năm xây dựng ý tưởng và thông báo hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 60 bản đăng ký, hơn 50 bản tham luận toàn văn của các học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác nhau trong cả nước. Nhìn chung, các tham luận đều hướng tới thể hiện những vấn đề học thuật mới, được thực hiện nghiêm túc, công phu và đầy tâm huyết, tập trung vào những nhóm vấn đề cơ bản sau:

-   Những nghiên cứu khái quát: Khái quát đặc điểm, xu hướng, thành tựu và cả những giới hạn của các sáng tác về đề tài lịch sử qua các giai đoạn văn học như :đầu thế kỷ XX, giai đoạn 1954 – 1975, giai đoạn từ sau 1986, giai đoạn đầu thế kỷ XXI...;

-   Những nghiên cứu trường hợp: Nghiên cứu quan niệm, thành tựu sáng tác của một tác giả, nghiên cứu – phê bình giá trị/ một vài khía cạnh tư tưởng, thi pháp trong một/ một vài sáng tác văn học về lịch sử, nghiên cứu đặc điểm của một loại/kiểu nhân vật trong một/ một số tác phẩm về đề tài lịch sử, cảm nghĩ và quan điểm của nhà văn – những người trực tiếp sáng tác văn học về đề tài lịch sử....;

-  Một số vấn đề trong dạy học văn học về đề tài lịch sử, nghiên cứu đề xuất những đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học văn học lịch sử....

PGS.TS. Lê Tú Anh - Phó trưởng khoa KHXH trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề về đặc trưng thể loại tiểu thuyết lịch sử, về mối quan hệ giữa sự thật và hư cấu trong sáng tác về lịch sử; các khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XXI; truyện ngắn về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay – xu hướng và thành tựu nổi bật; diễn ngôn lịch sử trong một số tiểu thuyết tiêu biểu; tiểu thuyết và truyện ngắn lịch sử của một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu; đề tài lịch sử trong văn học qua bộ sách giáo khoa Lagarde et Michard của Pháp và chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam; giáo dục lòng yêu nước và các giá trị lịch sử cho học sinh trong chương trình Ngữ văn mới; vấn đề nên chọn những sáng tác như thế nào để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông…

PGS.TS. Hồ Thế Hà - Giảng viên cao cấp, Trường ĐH khoa học, ĐH Huế phát biểu tại Hội thảo

 Từ những nội dung của các tham luận và những ý kiến trao đổi trực tiếp của các đại biểu tham dự, Hội thảo đã trở thành một diễn đàn khoa học để các học giả, nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhìn lại những thành tựu và gới hạn của các sáng tác văn học về đề tài lịch sử dân tộc; động viên, khích lệ và ở mức độ nhất định, định hướng cho người sáng tác, nhằm giúp cho văn học về đề tài này đến gần hơn với độc giả. Hội thảo cũng là dịp để các nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, đọc hiểu các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, góp phần bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay./.

Quang cảnh Hội thảo
 
Văn nghệ chào mừng Hội thảo
 
 
 
Các tác giả trình bày tham luận tại Hội thảo
 
 
 
 
Cán bộ, giảng viên Nhà trường chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội thảo
 
BBT website

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40588580