Hong Duc University shapes your future!

Quy định về thủ tục đăng ký, làm luận văn và bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Trường Đại học Hồng Đức (Kèm theo Quyết định số 512 /QĐ-ĐHHĐ ngày 17 tháng 4 năm 2012 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng

Cập nhật lúc: 09:27 SA ngày 21/03/2013

 

Căn cứ Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ; Quyết định số 858/QĐ-ĐHHĐ ngày 13 tháng 7 năm 2011 của Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức ban hành Quy định đào tạo trình độ thạc sĩ tại trường Đại học Hồng Đức, Nhà trường quy định về thủ tục đăng ký đề tài luận văn, viết luận văn và bảo vệ luận văn thạc sĩ đối với các chuyên ngành đào tạo của trường như sau:

Điều 1. Trách nhiệm và thủ tục đăng ký làm luận văn

1. Trách nhiệm của học viên

a. Đề xuất nội dung, hướng nghiên cứu và cán bộ hướng dẫn luận văn (Mẫu 1).

b. Đề cương luận văn thạc sĩ phải trình bày được các nội dung:

                        1. Tính cấp thiết của đề tài.

                       2. Mục đích của đề tài.

                        3. Phương pháp nghiên cứu.

                        4. Dự kiến kết quả đạt được

                        5. Nội dung nghiên cứu (liệt kê các chương, mục, tiểu mục)

                        6. Tài liệu tham khảo.

                        7. Dự kiến kế hoạch thực hiện.

            Đề cương nghiên cứu phải có ý kiến của cán bộ hướng dẫn và Bộ môn quản lý.

            c. Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung nghiên cứu, đúng kế hoạch theo đề cương sau khi được phê duyệt dưới sự hướng dẫn của cán bộ hướng dẫn.

            d. Định kỳ (2 tháng/lần) báo cáo tiến độ thực hiện đề tài luận văn với Bộ môn.

2. Trách nhiệm của Bộ môn, Khoa đào tạo

Sau khi hoàn thành năm học thứ nhất, Bộ môn và Khoa đào tạo triển khai cho học viên đăng ký lĩnh vực nghiên cứu và đề xuất người hướng dẫn; tổ chức đánh giá, xét duyệt đề cương nghiên cứu đề tài luận văn, lập danh mục tên đề tài và người hướng dẫn gửi phòng Đào tạo (Mẫu 2).

Bộ môn theo dõi tiến độ thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ của học viên, báo cáo Bộ phận quản lý Sau đại học Phòng đào tạo.

Căn cứ vào quy định cấu trúc luận văn tại Điều 3, Trưởng Bộ môn, Khoa có chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ xây dựng quy định cụ thể về kết cấu của từng phần, chương, mục phù hợp với chuyên ngành báo cáo Nhà trường (qua phòng Đào tạo).

3. Trách nhiệm của phòng Đào tạo

Tiếp nhận đề nghị của Bộ môn và Khoa đào tạo, tham mưu cho Hiệu trưởng ra quyết định giao nhiệm vụ cho cán bộ hướng dẫn và học viên thực hiện kế hoạch nghiên cứu đề tài luận văn.

Điều 2. Quy định về luận văn thạc sĩ

Luận văn phải là kết quả lao động của chính tác giả, ch­ưa đ­ược công bố trong bất cứ một công trình nghiên cứu nào. 

Nội dung luận văn phải thể hiện đư­ợc các kiến thức về lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực chuyên môn, ph­ương pháp giải quyết vấn đề đã đặt ra. Các kết quả của luận văn phải chứng tỏ tác giả đã biết vận dụng ph­ương pháp nghiên cứu và những kiến thức đ­ược trang bị trong quá trình học tập để xử lý đề tài.

            Điều 3. Cấu trúc luận văn

            1. Cách trình bày luận văn

            Luận văn được trình bày rõ ràng, sạch sẽ, không được tẩy xoá. Cỡ chữ 14, phông chữ Times New Roman giãn dòng 1,5 line; cá biệt các bảng biểu lớn thì cỡ chữ có thể là 10 - 12. Khổ giấy A4 (210x297 mm), lề trên: 2,5 cm, lề dưới: 2,5 cm, lề trái: 3,5cm, lề phải: 2cm. Bìa ngoài, bìa trong (bìa phụ)  luận văn trình bày theo Mẫu 3 và Mẫu 4.      

Luận văn được đánh số trang bắt đầu từ phần mở đầu cho đến hết danh mục tài liệu tham khảo. Số thứ tự trang đánh ở giữa phía trên đầu của trang từ 1 đến hết.

            Luận văn in một mặt giấy, không quá 100 trang đối với Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ; 120 trang đối với Khoa học Xã hội-Nhân Văn và Khoa học Giáo dục.

            2. Cấu trúc và hình thức của luận văn

      Luận văn được trình bày theo thứ tự các phần như sau:

            Bìa ngoài: Bằng giấy cứng in chữ nhũ (Mẫu 3).

            Phụ bìa (Bìa trong): in trên giấy thường, hai mặt (Mẫu 4).

Các trang tiếp theo

Trang

Lời cam đoan (Mẫu 5).

i

Lời cảm ơn của tác giả.

ii

Mục lục.

iii

Chữ viết tắt, ký hiệu (nếu có).

iv

Danh mục các bảng biểu (nếu có).

v

Danh mục các hình vẽ và đồ thị (nếu có).

vi

Phần chính của luận văn

 

  MỞ ĐẦU: (chữ hoa, đậm)

1

            Chương 1. (Tên chương: in chữ hoa, đậm)

                        1.1....

            1.2....

            Chương 2.

                        2.1....

                        2.1.1....

            Chương......

            KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ (chữ hoa, đậm)

            Tài liệu tham khảo.

            Phụ lục (nếu có).

            Việc đánh số các bảng biểu, đồ thị phải gắn với số thứ tự của chương, ví dụ: hình 1.2 có nghĩa là hình thứ 2 của Chương 1. Tên đầu đề của bảng ghi ở phía trên, tên hình vẽ hoặc ảnh và biểu đồ ghi ở phía dưới hình. Khi đề cập đến bảng biểu và hình vẽ cần nêu rõ số thứ tự của chúng, ví dụ: "... được nêu trong Bảng 2.3 ..." mà không được viết là "...được nêu trong bảng dưới đây…". Luận văn không được lạm dụng việc viết tắt. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ được sử dụng nhiều lần trong luận văn. Nếu luận văn có nhiều chữ viết tắt thì cần có bảng danh mục những viết tắt (sắp xếp theo thứ tự A,B,C) ở phần đầu luận văn.

            Phụ lục của luận văn: Phần này bao gồm những nội dung cần thiết nhằm minh hoạ hoặc bổ trợ cho nội dung luận văn như bảng số liệu, biểu mẫu, tranh ảnh…. Số trang của phụ lục không được nhiều hơn phần chính của luận văn. Các phụ lục cần được đặt tên và đánh số. Trường hợp phụ lục có nhiều trang thì nên đánh số trang với chữ P ở trước phần số, ví dụ P1, P2…

            3. Tài liệu tham khảo

            a. Cách trích dẫn tài liệu tham khảo

Các tài liệu tham khảo phải được trích dẫn theo số thứ tự của các tài liệu được liệt kê ở phần tài liệu tham khảo và được đặt trong ngoặc vuông, ví dụ [1; tr 67-90]. Đối với phần được trích dẫn từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau thì số của từng tài liệu được đặt trong ngoặc vuông một các độc lập theo thứ tự tăng dần, ví dụ [2],[4],[7]. Trường hợp không có tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua tài liệu khác thì phải nêu rõ các trích dẫn này, đồng thời tài liệu gốc đó không được liệt kê trong tài liệu tham khảo. Khi trích dẫn 1 đoạn ít hơn 5 dòng thì có thể sử dụng dấu ngoặc kép. Nếu trích dẫn dài hơn thì tách thành một đoạn riêng với lề trái lùi vào thêm 2 cm so với các đoạn trong luận văn và không cần sử dụng ngoặc kép.

                          b. Trình bày danh mục tài liệu tham khảo

                          Tài liệu tham khảo sắp xếp riêng theo nguồn gốc ngôn ngữ: La tinh, Slavơ, Kí hiệu (Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, …). Các tài liệu nước ngoài phải giữ nguyên văn, không phiên âm, không dịch.

Tài liệu tham khảo được xếp theo thứ tự ABC họ tên tác giả. Đối với người nước ngoài: thứ tự ABC xếp theo họ, đối với người Việt Nam: xếp thứ tự ABC theo tên, không đảo tên trước họ.

            Nếu tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo thứ tự ABC căn cứ vào từ đầu của tên cơ quan ban hành; ví dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp vào thứ tự vần B, Sở Y tế xếp vào thứ tự vần S…

            c. Cách ghi tài liệu tham khảo

            Nếu tài liệu tham khảo là sách, luận án, báo cáo thì ghi như sau:

- Tên tác giả hoặc cơ quan ban hành (không có dấu ngăn cách);

- Năm xuất bản được đặt trong dấu ngoặc đơn và dấu phẩy sau ngoặc đơn;

- Tên sách, luận án, báo cáo được in nghiêng và đặt dấu phẩy cuối tên;

- Nhà xuất bản, dấu phẩy được đặt cuối tên;

- Nơi xuất bản, dấu kết thúc tài liệu tham khảo.   

            Nếu tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí, bài trong một cuốn sách… cần ghi đầy đủ các thông tin sau:

- Tên tác giả (không có dấu ngăn cách);

- Năm công bố được đặt trong dấu ngoặc đơn và dấu phẩy sau ngoặc đơn;

            - Tên bài báo được đặt trong dấu ngoặc kép, không in nghiêng và có dấu phẩy cuối tên;

- Tên tạp chí hoặc tên sách được in nghiêng và có dấu phẩy cuối tên;

- Tập (không có dấu cách);

- Số được đặt trong ngoặc đơn và có dấu phẩy sau ngoặc đơn;

- Các số trang có gạch ngang giữa 2 chữ số và dấu chấm kết thúc.

            d. Một số ví dụ về tài liệu tham khảo

            Tiếng Việt

            1. Quách Ngọc Ân (1992), "Nhìn lại hai năm phát triển lúa lai", Di truyền học ứng dụng, 98(1), tr. 10-16.

            2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1996), Báo cáo tổng kết 5 năm (1992-1996) phát triển lúa lai, Hà Nội.

            3. Nguyễn Hữu Đống và cộng sự (1997), Đột biến - Cơ sở lý luận và ứng dụng, tr.15-25, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

            4. Nguyễn Thị Gấm (1996), Phát hiện và đánh giá một số dòng bất dục đực cảm ứng nhiệt độ, tr.32-37, Luận văn Thạc sĩ khoa học Nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội.

            .......................

            23. Võ Thị Kim Huệ (2000), Nghiên cứu chhẩn đoán và điều trị bệnh ... , tr.14, 23, 30-35, Luận án Tiến sĩ Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội.

            Tiếng Anh

            24. Anderson, J.E. (1985), "The Relative Inefficiency of Quota, The Cheese Case", American Economic Review, 75(1), pp. 178-190.

            25. Borkakati R.P., Virmani S.S. (1997), "Genetics of thermosentive genic male sterility in Rice", Euphytica, 88, pp. 1-7.

            26. FAO (1971), Agricalture Commudity Projections (1970-1980), Vol.II. Rome.

            27. Institute of Economics (1988), Analysis of Expenditure Pattern of Urban Households in Vietnam, Departement of Economics, Economics Research Report, Hanoi.

            4. Tóm tắt luận văn

            Tóm tắt luận văn có kích thước 140 x 210 mm (khổ A4 chia đôi). Trình bày rõ ràng, không tẩy xoá. Số của các hình vẽ, bảng biểu phù hợp như trong luận văn.

            Tóm tắt nhiều nhất trong 24 trang trên hai mặt giấy, phông chữ  Times New Roman, cỡ chữ 11. Bìa tóm tắt luận văn trình bày theo Mẫu 12.

            Tóm tắt phải phản ánh trung thực kết cấu, bố cục và nội dung của luận văn.

            Điều 4. Trách nhiệm và thủ tục bảo vệ luận văn

            1. Điều kiện để bảo vệ luận văn

a. Đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ: Có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, iBT 45 điểm hoặc IELTS 4.5 trở lên hoặc tương đương trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp chứng chỉ hoặc có bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh, hoặc có bằng tốt nghiệp đại học tại nư­ớc ngoài mà ngôn ngữ dùng trong đào tạo là tiếng Anh hoặc có bằng tốt nghiệp đại học tại các chương trình đào tạo trong nước mà ngôn ngữ dùng trong toàn bộ chương trình đào tạo là tiếng Anh không qua phiên dịch;

Hoặc, trình độ năng lực ngoại ngữ của học viên đạt được ở mức tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 của Khung Châu Âu Chung (Theo Phụ lục III-Thông tư 10/2011).

b. Đã học xong và đạt yêu cầu các môn  học trong chư­ơng trình đào tạo;   

c. Không đang trong thời gian chịu kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d. Không bị khiếu nại, tố cáo về nội dung khoa học trong luận văn.

            2. Trách nhiệm của cán bộ hướng dẫn

            Theo dõi, đôn đốc giúp đỡ học viên thực hiện các nội dung, kế hoạch theo đề cương đã được phê duyệt.

            Nếu học viên thực hiện đảm bảo các yêu cầu thì có ý kiến nhận xét bằng văn bản và ký vào đơn xin bảo vệ luận văn của học viên.

            Trong trường hợp học viên thực hiện không đạt yêu cầu về nội dung, thời gian thì có trách nhiệm cùng phòng Đào tạo đề xuất phương án xử lý trình Hiệu trưởng quyết định.

            3. Trách nhiệm của học viên

            Trước khi bảo vệ luận văn, học viên phải hoàn thành đầy đủ các hồ sơ:

- Hoàn thành luận văn theo quy định và làm đơn xin bảo vệ luận văn (Mẫu 6)

            - Bản lý lịch khoa học của học viên và có xác nhận của đơn vị công tác (Mẫu 7)

            - Đăng ký thông tin về luận văn thạc sĩ (Mẫu 8)

            - Nộp 6 cuốn bìa mềm toàn văn luận văn và 10 cuốn tóm tắt.

- Bản nhận xét của người hướng dẫn về tính thần thái độ, trình độ năng lực và kết quả của đề tài luận văn (Mẫu 9).

- Giấy xác nhận hoàn thành học phí, do phòng Kế hoạch-Tài chính cấp (Mẫu 13)

            Sau khi luận văn được Hội đồng chấm luận văn kết luận đạt yêu cầu, học viên chỉnh sửa các nội dung đã được Hội đồng góp ý và đóng bìa cứng, in chữ nhũ (như Điều 3) nộp về Thư viện Trường, Khoa đào tạo, Bộ môn và Phòng Đào tạo trong vòng 30 ngày kể từ khi họp Hội đồng (có xác nhận của nơi nhận luận văn lưu trữ).

            4. Trách nhiệm của Bộ môn, Khoa đào tạo

            - Tiếp nhận đầy đủ hồ sơ của học viên: đơn xin bảo vệ luận văn, luận văn (bìa mềm) và tóm tắt luận văn theo quy định, nhận xét của cán bộ hướng dẫn, thông tin về luận văn, lý lịch khoa học, giấy xác nhận đã nộp đủ học phí.

            - Làm văn bản đề nghị nhà trường tổ chức đánh giá luận văn tốt nghiệp thạc sĩ (Mẫu 10) kèm theo danh sách giới thiệu cán bộ tham gia Hội đồng (Mẫu 11).

            - Khoa tập hợp và hoàn thành các hồ sơ để chuyển về bộ phận quản lý đào tạo Sau đại học phòng Đào tạo.

            - Phối hợp với phòng Đào tạo tổ chức họp Hội đồng chấm luận văn cho học viên.

            5. Trách nhiệm của phòng Đào tạo

            - Tập hợp, kiểm tra hồ sơ xin bảo vệ luận văn của học viên, yêu cầu đảm bảo đúng, đủ các thủ tục theo quy định.

            - Tiếp nhận đề nghị thành phần Hội đồng chấm luận văn của Bộ môn và Khoa đào tạo, tham mưu cho Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ khoa học cho từng học viên.

            - Chuẩn bị các văn bản liên quan và tổ chức họp Hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ.

            Điều 5. Hiệu lực thi hành

         Quy định này có hiệu lực trong phạm vi Trường Đại học Hồng Đức kể từ ngày ký và được thay thế cho Quyết định số 651/QĐ-ĐHHĐ ngày 28 tháng 5 năm 2010. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị các đơn vị, các học viên cao học phản ánh với Nhà trường qua phòng Đào tạo để nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi./.

          Phụ lục   kèm theo QUY ĐỊNH Về thủ tục đăng ký, làm luận văn và bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Trường Đại học Hồng Đức

 

         + HDU_25_8_QĐ 512 ve Quydinhđangki Lvthacsi (1).doc

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40574269