Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức - 20 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật lúc: 09:40 PM ngày 15/01/2018

Ra đời và phát triển cùng với nhà trường, khoa Khoa học xã hội - một trong những khoa đào tạo lớn nhất của trường đến nay cũng tròn 20 tuổi. 20 năm đối với sự phát triển của một khoa đào tạo Đại học chưa phải là dài, nhưng với sự nỗ lực cố gắng, các thế hệ thầy và trò khoa KHXH đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

      Ngày 24/9/1997, trường Đại học đầu tiên của xứ Thanh mang niên hiệu Đức vua Lê Thánh Tông – một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam – Trường Đại học Hồng Đức ra đời. Đây là niềm tự hào, mong đợi bao năm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Là trường Đại học đầu tiên theo mô hình trực thuộc địa phương của cả nước đóng trên địa bàn của một tỉnh rộng lớn, đông dân, với hơn 3,5 triệu người, có truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống hiếu học, khoa bảng lâu đời, trường Đại học Hồng Đức nhanh chóng trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm văn hóa lớn nhất của Thanh Hóa và đến nay thực sự trở thành cánh chim đầu đàn trong các trường đại học địa phương, từng bước vươn lên sánh vai với các trường đại học lớn trong cả nước, khu vực.

Cùng với sự ra đời và phát triển của trường Đại học Hồng Đức, khoa Khoa học xã hội (KHXH) - một trong những khoa đào tạo lớn nhất của Nhà trường đến nay cũng tròn 20 tuổi. 20 năm đối với sự phát triển của một khoa đào tạo Đại học chưa phải là dài, nhưng với sự nỗ lực cố gắng, các thế hệ thầy và trò khoa KHXH đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

1. Truyền thống gần nửa thế kỷ đào tạo giáo viên THCS các ngành Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gian khổ, sự nghiệp giáo dục của đất nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng vẫn được duy trì, giữ vững. Nhu cầu giáo viên THCS của các huyện, thị rất lớn, nên có nhiều hệ đào tạo giáo viên THCS Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý, như hệ cấp tốc (6 tháng, 9 tháng), hệ 9 + 2, 7+ 3 miền xuôi, 7 + 3 miền núi, 10 + 1, 10 + 3 Xã hội. Trường Sư phạm 10 + 3 Thanh Hóa thời bấy giờ là một trong những trung tâm đào tạo giáo viên lớn, có uy tín nhất tỉnh và khu vực. Với 7 khóa 10 + 3 và nhiều hệ đào tạo ngắn hạn như trên, Khoa và Nhà trường đã đáp ứng kịp thời lực lượng lớn giáo viên THCS các môn xã hội cho ngành giáo dục của Tỉnh.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam bước sang thời kỳ phát triển mới. Hầu hết các tỉnh đều thành lập trường CĐSP. Năm 1978, trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa được nâng cấp thành trường CĐSP Thanh Hóa. Khoa Văn - Sử cũng được hình thành và là một trong những khoa lớn của Trường. Ngoài các tổ Ngữ văn, Lịch sử, khoa còn có tổ Ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh). Cuối năm 1992, tổ Địa lý (từ khoa Hóa - Sinh - Địa) nhập về, tổ Ngoại ngữ tách thành khoa Ngoại ngữ, khoa Văn - Sử đổi thành khoa Xã hội.

Những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ XX, Trường CĐSP Thanh Hóa là một trong những trường CĐSP bề thế cả về quy mô đội ngũ GV, số lượng SV và chất lượng đào tạo. Trường có cả khoa đào tạo Đại học đại cương, đã từng chủ trì biên soạn giáo trình CĐSP chung cho các trường CĐSP cả nước, đã từng thực hiện các chương trình NCKH lớn của tỉnh như “Nghiên cứu danh nhân Thanh Hóa”. Cùng với nhà trường, vượt qua những khó khăn của cuộc sống, những thay đổi của nhu cầu đào tạo, có lúc phải cho SV ra trường sớm 1 năm, có lúc phải đào tạo tại các huyện, lại có lúc phải tạm dừng tuyển sinh…, khoa Xã hội vẫn không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ GV liên tục được tăng cường. Đầu năm học 1997-1998, năm học cuối cùng của trường CĐSP Thanh Hóa, trong số hơn 40 GV của khoa, đã có 01 TS, 17 ThS. Số lượng SV những năm cao điểm lên tới hàng nghìn SV.

Sau gần 20 năm, khoa Văn- Sử, khoa Xã hội, trường CĐSP Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Với 23 khóa đào tạo hệ CĐSP, có lúc là ban Văn - Sử, Văn - Chính trị, Văn - Giáo dục công dân, Văn - Kỹ thuật, Văn - Anh văn…, rồi Sử - Chính trị, Sử - Giáo dục công dân, Sử - Địa, Địa - Sử, Địa - Giáo dục công dân, hàng chục nghìn giáo viên các môn KHXH đã trưởng thành từ chiếc nôi sư phạm này. Nhiều thầy cô giáo trở thành Trưởng, Phó các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, là cán bộ quản lý giáo dục các huyện thị, các trường THCS, là giáo viên giỏi cấp tỉnh, là nhà giáo ưu tú…

Với chặng đường gần nửa thế kỷ, từ các hệ đào tạo giáo viên ngắn hạn, đến 10+3, rồi CĐSP, từ khoa Văn - Sử đến khoa Xã hội, đã tạo dựng, bồi đắp cho khoa truyền thống đào tạo giáo viên THCS. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để khoa vững bước sang trang sử mới - khoa đào tạo đại học và sau đại học sau này.

2. Những thành tựu chính trong 20 năm (1997-2017)

2.1. Liên tục phát triển các các ngành, bậc đào tạo

Ngay từ năm học1998-1999, khoa được giao nhiệm vụ đào tạo ngành ĐH chính quy đầu tiên: ĐHSP Ngữ văn. Đến năm học 2016-2017 ngành ĐH mới nhất được mở là: ĐH Quản lý Tài nguyên- môi trường. Đến nay khoa đã và đang tổ chức đào tạo 9 ngành  ĐH chính quy với trên 6000 SV (Trên 4000 SV đã tốt nghiệp), gồm: ĐHSP: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, ĐH: Văn học (QL Văn hóa), Lịch sử (QL di tích-Danh thắng), Địa lý (QL TN-MT), Việt Nam học (QL Khách sạn- Du lịch), Xã hội học (Công tác xã hội) và Quản lý tài nguyên- Môi trường; 4 ngành CĐ chính quy: CĐSP: Văn- Sử; Địa - Sử; Cao đẳng nghề: Công tác xã hội và Hướng dẫn viên du lịch với trên 3000 SV (Hơn 2900 đã tốt nghiệp). Cùng với các hệ chính quy, khoa cũng đã và đang tổ chức 5 ngành ĐH VLVH, LT, VB 2, gồm: ĐHSP: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, ĐH: QLTNMT, XHH, với trên 1200 HV (trên 1000 HV đã tốt nghiệp).

Năm học 2008-2009 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong công tác đào tạo, Khoa KHXH được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Thạc sĩ đầu tiên: Chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam. Đến năm học 2013-2014, khoa đã và đang tổ chức đào tạo 4 chuyên ngành Thạc sĩ: Ngôn ngữ Việt Nam, Văn học Việt Nam, Lý luận và phương pháp dạy học Văn – tiếng Việt, Lịch sử Việt Nam, tuyển sinh hàng năm mỗi chuyên ngành 20 học viên. Đặc biệt, từ năm học 2014-2015, khoa đã được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Tiến sỹ, chuyên ngành Văn học Việt Nam (một trong 2 chuyên ngành TS đầu tiên của nhà trường). Tháng 5/2017, khoa được giáo nhiệm vụ 2 chuyên ngành đào tạo bậc Tiến sỹ nữa là: Lịch sử Việt Nam và LL&PPDH bộ môn Văn - Tiếng Việt.

Thực hiện Hiệp định hợp tác giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Hủa phăn (nước CHDCND Lào), từ cuối năm 2011, khoa KHXH bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ quốc tế mới - giảng dạy tiếng Việt cho học sinh Lào tại thị xã Sầm Nưa (Hủa phăn). Từ năm học 2012-2013 đến nay, hàng năm, khoa tiếp tục được giao đào tạo tiếng Việt cho 60-100/1 năm lưu HS Lào tại trường ĐHHĐ trước khi các em trở thành sinh viên trường Đại học Hồng Đức.

Như vậy, từ một khoa đào tạo giáo viên THCS Văn, Sử, Địa của trường CĐSP, trải qua 20 năm xây dựng, công tác đào tạo của khoa không ngừng được mở rộng về quy mô ngành nghề và bậc đào tạo. Với đội ngũ giảng viên gần 80 người/trên 2000 HV, SV; hiện tại, khoa đang tổ chức đào tạo 3 chuyên ngành TS, 4 chuyên ngành ThS, 8 ngành Đại học, 4 ngành Cao đẳng và đào tạo Tiếng Việt 1 năm cho lưu HS Lào, nhiệm vụ đào tạo của khoa gần như của một trường đại học KHXH&NV thu nhỏ.

2.2. Công tác nghiên cứu khoa học vươn lên mạnh mẽ

Từ khi tỉnh thực hiện cơ chế mở rộng tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học cấp Tỉnh (năm 2003) và Bộ cho phép nhà trường đăng ký, tuyển chọn đề tài cấp Bộ (2009) đến nay, cán bộ, giảng viên của khoa đã được tuyển chọn, chủ trì: 1 đề tài KH cấp Nhà nước, 09 đề tài khoa học cấp tỉnh, 12 đề tài khoa học cấp Bộ và gần 100 đề tài khoa học cấp cơ sở. Khoa đã chủ trì tổ chức thành công 10 Hội thảo cấp quốc gia, cấp Tỉnh, cấp liên trường.

Liên tục trong 10 năm gần đây, SV của khoa đều đạt giải chính thức SV nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giải Tài năng KH&CN trẻ cấp Bộ, đã có 1 SV đạt giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải khuyến khích.

Cán bộ, giảng viên của khoa, hàng năm đã công bố 40-60 các công trình nghiên cứu trên các tạp chí Khoa học, tạp chí chuyên ngành của các trường Đại học và các viện nghiên cứu trong cả nước và quốc tế

Hơn 30 giáo trình, tài liệu chuyên khảo, tham khảo do cán bộ, giảng viên của khoa chủ biên, hoặc tham gia biên soạn đã được các nhà xuất bản Trung ương như NXB Chính trị - Quốc gia, Giáo dục, Khoa học xã hội, Đại học sư phạm Hà Nội... xuất bản. Đặc biệt, nhiều cán bộ, giảng viên của khoa đã được tuyển chọn biên soạn các giáo trình đào tạo đại học và cao đẳng cho các dự án Phát triển giáo viên tiểu học, Đào tạo giáo viên THCS, Đào tạo giáo viên THPT…

Có thể nói, trong 20 năm qua, khoa KHXH luôn là một đơn vị dẫn đầu, đạt nhiều thành tích xuất sắc về công tác nghiên cứu khoa học trong trường, đang dần khẳng định là một trong những trung tâm nghiên cứu KHXH&NV lớn, có uy tín trong Tỉnh.

2.3. Đội ngũ giảng viên lớn mạnh nhanh chóng về mọi mặt

Nếu như năm học đầu tiên thành lập (1997-1998) khoa chỉ có 1 TS, thì đến 6/2017, trong số 70 CB, GV của khoa đã có 25 TS, trong đó có 10 PGS. Hiện khoa có 25 GV đang NCS trong đó có 2 NCS nước ngoài, trở thành đơn vị đầu tiên của trường đại học Hồng Đức đạt và vượt chuẩn về trình độ đội ngũ GV theo quy định mới của Nhà nước. 

Với những thành tựu chủ yếu trên, sau 20 năm xây dựng và phát triển, khoa KHXH đã trở thành một khoa mạnh toàn diện trong trường. Tập thể khoa KHXH năm thứ 7 liên tiếp (2011-2017) đạt danh hiệu TTLĐXS cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng BK. Chi bộ khoa được Ban Thường vụ tỉnh ủy tặng Bằng khen, CĐBP được Tổng Liên đoàn lao động tặng bằng khen LCĐ khoa KHXH trở thành đơn vị đầu tiên trong Đoàn trường được Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tặng Cờ thi đua.

3. Con đường đi lên phía trước

Giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn, nhưng với truyền thống gần nửa thế kỷ đào tạo giáo viên THCS, 20 năm đào tạo đại học và sau đại học, chặng đường phía trước của khoa KHXH rất tươi sáng, khi chúng ta đoàn kết thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính như sau:

Thứ nhất, giữ vững và nâng cao chất lượng các ngành đào tạo đại học, cao đẳng đã có, tích cực chuẩn bị điều kiện mở thêm các ngành mới; tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành Tiến sỹ, Thạc sỹ; tích cực chuẩn bị điều kiện mở các chuyên ngành TS, ThS mới; xác định đào tạo SĐH là một hướng phát triển chính của khoa những năm tới.

Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động NCKH của cán bộ, GV và SV, phấn đấu có những công trình khoa học tầm cỡ quốc gia và nhiều bài báo đăng tạp chí quốc tế.

Thứ ba, thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, phát triển đội ngũ GV đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng bộ về cơ cấu, phấn đấu trong những năm tới có thêm nhiều GV được phong học hàm GS, PGS.

Kỷ niệm 20 năm thành lập khoa KHXH là dịp để mỗi thầy, cô giáo và sinh viên nhìn lại chặng đường đã qua, khẳng định những thành tựu đã đạt được, phát huy những truyền thống tốt đẹp, khắc phục những tồn tại, phấn đấu đưa khoa KHXH trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu KHXH&NV lớn của Thanh Hóa và cả nước, tiến tới hội nhập với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới.

 

Tập thể khoa Khoa học xã hội và các đồng chí lãnh đạo Nhà trường

 (Ảnh chụp năm 2017)

 

Tập thể CBGV khoa Khoa học xã hội

                                                                                                         

 

Video

Album

số lượt truy cập
40585381