Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

Sự ra đời và phát triển của ngành Việt Nam học

Cập nhật lúc: 09:27 AM ngày 13/11/2018

“Sự phát triển của Việt Nam học tại một số nước trong thế kỷ XX” là cuốn sách chuyên khảo trong Tủ sách Khoa học do Nhà xuất bản ĐHQGHN mới ấn hành trong tháng 12/2017. Trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Thị Phương Anh công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển ĐHQGHN về nội dung cuốn sách với tác giả chủ biên là GS. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo ĐHQGHN, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN.

“Sự phát triển của Việt Nam học tại một số nước trong thế kỷ XX” là cuốn sách chuyên khảo trong Tủ sách Khoa học do Nhà xuất bản ĐHQGHN mới ấn hành trong tháng 12/2017. Cổng Thông tin Điện tử  ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Thị Phương Anh công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển ĐHQGHN về nội dung cuốn sách với tác giả chủ biên là GS. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo ĐHQGHN, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang có khá nhiều lĩnh vực nghiên cứu đạt tới độ chuyên sâu. Ngoài khoa học  lịch sử là lĩnh vực hoạt động chính, GS còn là một trong những nhà khoa học đi tiên phong có nhiều đóng góp cùng với GS.NGND Phan Huy Lê, GS.NGND Đoàn Thiện Thuật, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS Phạm Hồng Tung… cho sự ra đời ngành Việt Nam học (VNH). Để có được sự phát triển như ngày nay của một ngành học tưởng chừng cũ nhưng lại rất mới mẻ này, các GS đã dày công học hỏi, tiếp thu phương pháp tiếp cận hiện đại từ các nước có nền khoa học tiên tiến, vừa phải chứng minh sự khác biệt giữa Việt Nam học theo hướng khu vực học với nghiên cứu Việt Nam theo chuyên ngành (Lịch sử, Văn học, Kinh tế …) và khẳng định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành khoa học này ở Việt Nam. Bởi lâu nay, trên thực tế có không ít học giả trong nước vốn quen nghiên cứu Việt Nam theo hướng chuyên ngành, cho rằng Việt Nam học là cách nghiên cứu Việt Nam của người nước ngoài.

GS.TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5, tháng 12/2016

Trong 5 kỳ Hội thảo Quốc tế Việt Nam học, quy tụ các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang được giao trọng trách làm Trưởng Ban Thư ký 2 kỳ và 3 kỳ giữ cương vị Trưởng Ban Tổ chức. Thành công của các kỳ Hội thảo Quốc tế Việt Nam học đều để lại tiếng vang lớn trong giới Việt Nam học trên trường quốc tế.

Gần đây công trình “Sự phát triển của Việt Nam học tại một số nước trong thế kỷ XX” ra mắt bạn đọc là kết quả dày công của nhóm tác giả trong nước và nước ngoài do GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang (chủ biên). Công trình đã khái quát một bức tranh tổng thể về tình hình nghiên cứu Việt Nam học tại một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới trong thế kỷ XX – thế kỷ đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của ngành Việt Nam học (Vietnamese studies) trên thế giới. Không chỉ giới thiệu quá trình hình thành, phát triển, các tác giả còn thể hiện đặc trưng, khuynh hướng nghiên cứu và thành tựu của ngành Việt Nam học tại các quốc gia này, với những mức độ và đặc điểm không hoàn toàn giống nhau. Những kết quả nghiên cứu của công trình là minh chứng rõ nét về cách nhìn nhận và đánh giá về Việt Nam trong con mắt của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Sự phát triển của Việt Nam học trong hơn một thế kỷ qua là một thực tế sinh động chứng tỏ uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Cuốn sách bởi vậy là tài liệu tham khảo hữu ích. Cung cấp những tư liệu quý báu và có giá trị học thuật cao cho học viên, sinh viên và những nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này.

Từ những khảo cứu đơn lẻ theo từng chuyên ngành, Việt Nam học đã trở thành một khoa học liên ngành thuộc phạm trù khu vực học (Area studies). Trong vòng một trăm năm, Việt Nam học đã tiến những bước dài. Các tác giả đã phân chia quá trình phát triển thành 5 giai đoạn: Từ đầu thế kỷ XX đến những năm 30; từ những năm 30 đến 1954; từ 1955 đến 1975; từ 1976 đến 1985 và từ 1986 đến nay.

Sự phát triển của Việt Nam trong một thế kỷ qua là một thực tế sinh động, chứng tỏ uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng  cao. Từ địa vị một nước thuộc địa không có tên chính thức trên bản đồ thế giới. Ngày nay, Việt Nam học đã trở thành một ngành học được giảng dạy ở hầu hết các trường đại học lớn trên thế giới. Quá trình phát triển đó gắn liền với những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sự phát triển của Việt Nam học giữa các khu vực trên thế giới không giống nhau về quá trình hình thành và mức độ phát triển. Điều này phụ thuộc vào nhận thức về tầm quan trọng của Việt Nam học và quan hệ của Việt Nam với các khu vực đó. Để thấy rõ bức tranh toàn cảnh, các tác giả đã đi sâu nghiên cứu một số nước và khu vực tiêu biểu.

                               Nguồn: Nguyễn Thị Phương Anh - Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media (Website của Đại học Quốc gia Hà Nội)

                                                   

Video

Album

số lượt truy cập
40585588