Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

Cảm thức "Vô úy" trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh

Cập nhật lúc: 10:05 AM ngày 06/10/2017

Đội gạo lên chùa là một trong ba cuốn tiểu thuyết trường thiên làm nên tên tuổi của Nguyễn Xuân Khánh trong thời gian gần đây. Tiếp nhận tác phẩm này, bên cạnh dư âm của hai chữ “tuỳ duyên”, người đọc còn bị hấp dẫn mạnh mẽ bởi tinh thần “vô uý”. Bài viết tập trung lý giải quan niệm, cách nhìn, cách “đọc” rất riêng của nhà văn về chữ “vô uý” của đạo Phật. “Vô úy” không chỉ là thái độ sống của một bậc chân tu giữa dòng đời vô thường, mà còn là tinh thần của người cầm bút trong quá trình kiến tạo tác phẩm.

 CẢM THỨC “VÔ UÝ” TRONG ĐỘI GẠO LÊN CHÙA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH

 

 

PGS.TS Lê Tú Anh – ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga 

 

1. MỞ ĐẦU

Thành công liên tiếp với ba cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng ngàn (2006), Đội gạo lên chùa (2011), Nguyễn Xuân Khánh có thể được xem là một trong những hiện tượng văn học khá nổi bật những năm đầu thế kỷ XXI. Qua những sáng tác ấy, người đọc nhận ra “bút lực trời cho” của một nhà văn từng được mệnh danh là “gốc mai già vẫn rừng rực nở hoa”. Có thể nhận thấy ảnh hưởng tôn giáo và tín ngưỡng đối với ngòi bút nhà văn rất đậm nét, thể hiện trong cả ba tác phẩm. Ở Hồ Quý Ly, đó là những luận giải sâu sắc và thấu đáo nhiều vấn đề của Nho giáo. Mẫu Thượng ngàn thể hiện nhiều nét đẹp văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian. Đội gạo lên chùa là những cắt nghĩa, theo một cách rất riêng, về mối quan hệ giữa Phật giáo và đời sống con người, xã hội. Đọc Đội gạo lên chùa, bên cạnh dư âm của hai chữ “tuỳ duyên”, người đọc còn bị hấp dẫn mạnh mẽ bởi tinh thần vô uý. Vô úy không chỉ là thái độ sống của một bậc chân tu giữa dòng đời vô thường, mà còn là tinh thần của người cầm bút trong quá trình kiến tạo tác phẩm.

2. NỘI DUNG

2.1. Thiền sư Vạn Hạnh – vị Thiền tổ của Việt Nam ở thời Lí, trong một bài kệ, đã viết: “Nhậm vận thịnh suy vô bố uý” (Mặc cho vận đời thịnh/suy không sợ hãi). Qua lời kệ này, Thiền sư đã nói rõ sự chứng nghiệm tâm linh và phong cách ứng xử của mình đối với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống xảy ra cho bản thân và trong xã hội. Đối với bản thân, sống và chết là quy luật; thịnh hay suy, cả hai đều không có tự tính, chúng phụ thuộc vào quy luật hợp ly của nhân duyên. Nắm được quy luật này, con người sẽ không phải lo sợ khi đối mặt với sinh – tử, hợp – tan, có thể chủ động trong cuộc sống, thăng hoa được bản thân mà vẫn giữ được cho mình phong thái điềm nhiên, tự tại. Trong Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Hoà thượng Thích Vô Uý - một biểu tượng thuyết phục của chân tu. Suốt hành trình của tác phẩm, ta gặp rất nhiều phát ngôn của sư cụ. Đó cũng chính là kí thác của nhà văn trong nỗ lực diễn giải những suy nghiệm về Phật giáo, về sự uy dũng của đạo Phật một cách hình tượng và sinh động.

Trong suy nghĩ của chú tiểu An, sư cụ Vô Uý là một vị Bồ Tát nhưng lại rất đỗi thân quen, gần gũi. Ẩn sau chân dung bé nhỏ, hiền hậu là một sức mạnh phi thường giúp “thầy tôi” không chỉ lắng nghe được nỗi đau nhân thế mà còn có khả năng truyền giao cảm xúc từ bi cho người khác. Tác giả Đội gạo lên chùa đã không hề vô tình khi lấy pháp hiệu Vô Uý đặt cho nhân vật tâm đắc của mình. Vô uý tức là không run sợ trước mọi nghịch cảnh ở đời. Sư cụ quả là rất thích hợp với cái tên gọi ấy. Người đọc luôn bắt gặp ở nhân vật này vẻ an nhiên, tự tại và vô sự. Chính sư cụ là người hướng đạo cho tiểu An: “Sống trong cuộc đời chính là đang làm một cuộc hành hương. Hành hương không phải là tìm đến một nơi chốn mà là qua cuộc du hành ấy tìm được cái sức mạnh thiêng liêng ngay trong chính tâm hồn mình” [5; tr 715]. Thấm thía lời dạy của sư tổ Vô Chấp, sư cụ luôn muốn An ghi tâm khắc cốt một điều: “người tu Phật bất ly thế gian, nhưng luôn phải giữ bốn điều cao thượng của đức Thế Tôn. Đường tu của con còn dài, dù gặp cảnh đời nào vui hay khổ cũng phải can đảm điềm nhiên, nghiệp của ta, ta phải gánh” [5; tr 107]; và một điều nữa: “trên con đường dài dằng dặc, một người con của Phật, hay một con người cũng vậy, đều phải biết tự đi bằng đôi chân của mình” [5; tr 28]. Như vậy, muốn tìm được đạo, Phật tử phải dựa vào chính mình, phải trang bị cho mình sức mạnh để có thể tự giải quyết mọi trở ngại trên đường đời. Vâng lời sư cụ, chú tiểu An đã học võ, học để tự vệ, vì trước khi bảo vệ được Phật pháp thì Phật tử phải biết tự bảo vệ mình. Thế nhưng, sức mạnh của một Phật tử chân chính lại không nằm ở những thế võ được thể hiện ra bên ngoài, mà nằm ở tâm từ bi được chứa đựng trong thẳm sâu tâm hồn. Từ một đứa trẻ mồ côi, An bị quăng vào cõi đời mênh mông sóng gió. Sư Vô Uý đã dạy An cách tự bơi, tự quẫy lộn bởi ngừng chân tay là chìm nghỉm, và khi vượt qua sóng gió, An hiểu ra rằng nội lực, sự chịu đựng của con người lớn lao ngoài sức tưởng tượng. Đối với An, sư cụ Vô Uý là tấm gương uy vũ bất năng khuất, là người có sức mạnh phi thường để có thể điềm nhiên đón nhận và vượt qua mọi thử thách.

Là người sớm bén duyên với đạo Phật, sư Vô Uý rất nhiệt tình trong việc giáo hoá Phật pháp đến chúng sinh, quyết tâm đạt Đạo để giúp đời lập hạnh. Thế nhưng khi bão tố chiến tranh tràn qua ngôi chùa Sọ, vị sư trụ trì cũng không tránh khỏi tai ương. Sau khi chùa Sọ bị phát hiện có hầm bí mật, sư cụ bị trói giải lên P.C. Huyện (Bốt chỉ huy), bị tra tấn và bị bẻ gãy một chân. Tại nhà giam này, một cảnh tượng khiến cho bọn lính phòng nhì giết người không ghê tay phải lắc đầu kinh ngạc. Đó là khi bị đánh đập, máu me đầm đìa, sư cụ đau quá cũng phải kêu rên, nhưng hết bị hành hạ lại niệm A di đà Phật. Mới đầu, tiểu An chỉ hiểu A di đà Phật là lời chào, lời xin lỗi, lời cảm ơn hay là tiếng kêu đau xót trước cuộc sống trần thế vô thường. Mãi về sau, An mới ý thức được rằng A di đà Phật nằm trong hạnh an lạc của Phật. Nó như một câu thần chú đem lại cho con người một sức mạnh kì diệu để chống lại sự đau đớn thể xác, để không làm trái lại niềm tin của đời mình. Đó còn là một cách để thực hiện chữ nhẫn của nhà Phật. Có người nghĩ rằng chữ nhẫn của đạo Phật là sự yếu hèn, cam chịu. Thực chất, đó là sự dừng lại để suy ngẫm, để tích tụ sức mạnh. Khi cần thiết, chữ “nhẫn” của nhà Phật sẽ “bùng nổ” theo cách của nó, mà “năng lượng của cái nhẫn sẽ ghê gớm đến mức không thể tưởng tượng nổi. Nó kinh thiên động địa. Sức mạnh của từ bi có thể làm sụp đổ những gì tàn bạo nhất. Phải là người dũng mãnh như sư tử, ý chí như sắt thép mới thi hành được chữ nhẫn nhà Phật” [5; tr 256]. Rõ ràng, trong hoàn cảnh tù đày này, chữ nhẫn đã đem lại sức mạnh giúp nhà tu hành vượt qua cái chết.

Bên cạnh việc can trường thực hành “nhẫn”, sức mạnh của sư cụ Vô Úy còn xuất phát từ sự nhận thức rất sâu sắc về “nghiệp”. Trên đoạn đường từ nhà giam Đơ Bê của Tây về, con đường toàn ổ gà đến giật nảy người lên, với thân hình lở loét chín phần chết chỉ một phần sống, Vô Uý đau đớn kêu rên nhưng không hề hận thù số kiếp. Vì như sư cụ đã nói với thầy Hải: “Anh đừng lo, tôi bị đánh nhưng không chết đâu mà sợ. Cái nghiệp của tôi phải như vậy...” [5; tr 190]. Hiểu mình, hiểu đời và hiểu sâu sắc về lẽ thịnh – suy, sư Vô Uý luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế an nhiên, tự tại để đối diện với những nghiệp chướng không thể tránh khỏi. Ngày mới trên quê hương, làng Sọ đã sạch bóng quân thù, vậy mà kiếp nạn thế gian vẫn không chịu buông tha cho thầy trò tiểu An. Đội cải cách bằng những suy diễn không có căn cứ đã ép buộc hai người phải sống thân phận tù đày, phải đi lao động cải tạo cực khổ và phải chịu đựng cảnh nhục hình như thời trung cổ. Dù biết trước tình thế, dù cho sư bác Khoan Độ năn nỉ thuyết phục đi trốn, nhưng trước sau sư Vô Uý vẫn thản nhiên: “Con tính toán mọi việc thế là chu đáo. Tuy nhiên thầy không thể bỏ trốn được lúc này. Bởi vì đã mang lấy nghiệp là phải gánh chịu nghiệp. Nếu tránh được khi này thì nghiệp vẫn còn sờ sờ ra đấy, lúc khác ta lại phải gánh chịu...” [5; tr 555]. Nghĩa là, sư Vô Uý luôn chủ động dấn thân một cách điềm nhiên. Vị chân tu đã thấm nhuần triết lí của đạo Phật, rằng Phật tử tu ở mọi lúc mọi nơi, dù an bình hay oan nghiệt. Ông xem những biến cố là cơ hội để con người tìm đến chân như. Bản thân có trải qua cảnh khổ, mới hiểu thế nào là khổ đế. Thậm chí, sư cụ còn dạy An phải cám ơn nỗi khổ, bởi vì đó là những giờ phút lí tưởng cho ta suy ngẫm, nó còn có thể làm phong phú thêm trải nghiệm của ta: “Trong những phút trái ngang nhất của cuộc đời, tâm ta rất dễ xao động, mà tâm xao động dấy niệm lên là ta dễ hành xử sai. Tốt nhất hãy niệm hồng danh đức Phật, và hãy nghĩ rằng: Mỗi khó khăn ở đời là một bước để ta tôi rèn, để đi đến gần Đạo hơn” [5; tr 607]. Tiểu An đã “mục kích” thầy mình tu trong lúc biến, tức là tu trong các nhà tù để đi tới kết luận: bậc Bồ Tát có thể hành đạo ở mọi công việc, trên khắp thế gian. Chính trong thời khắc cam go nhất mà con người chiến thắng được bản thân mình để tâm hồn bình lặng, không gợn một chút hận thù có nghĩa là người tu hành đã sống trong đất Phật, sống trong cõi Niết bàn. Quả là, Niết bàn không ở đâu xa, nó “nằm ngay trong cõi Ta bà, nó nằm ngay trong lòng chúng ta”. Bản lĩnh của sư cụ Vô Uý chỉ có thể có được từ một nội lực siêu phàm – kết quả của một quá trình tu luyện dài lâu.

Không chỉ dừng lại ở sự chịu đựng, sức mạnh của sư Vô Úy còn thể hiện ở tâm từ bi giàu khả năng thu phục con người, dù đó là kẻ thù nghịch. Lí do nào khiến Tây lùn Bernard phải thả Vô Uý khỏi nhà giam Đơ Bê? Sức mạnh nào có thể đưa hai phạm nhân Hiếu và Tân thoát khỏi hố phân hôi thối? Tất cả đều nhờ vào khả năng truyền giao cảm xúc từ bi của mình cho người khác của sư cụ Vô Uý. Sức mạnh đó có thể gọi tên là gì nếu không phải là sự uy dũng của Phật giáo? Với sự giác ngộ và nắm vững quy luật “vạn pháp đều không có tự thể tự hữu và ly hợp là tuỳ thuộc vào nhân duyên”, sư Vô Uý đã rất tích cực dấn bước vào dòng chảy của cuộc đời để độ sinh, tỉnh táo, điềm nhiên trước vô thường để cứu thế. Nhà sư đã đem tâm từ bi đối đãi với tất cả, kể cả những kẻ coi mình là thù nghịch, không sân hận với kẻ muốn làm ác với mình, muốn giết mình. Đó chính là thái độ sống của một bậc tu hành rất thông hiểu Phật pháp.

Bên cạnh sư Vô Úy, trong Đội gạo lên chùa còn rất nhiều nhân vật chịu ảnh hưởng và thấm nhuần tinh thần không sợ hãi của đạo Phật. Thầy giáo Hải cũng là một minh chứng. Hải đã từng công nhận mình rất yêu thích đạo Phật và muốn trở thành Phật tử. Anh thường xuyên đến chùa Sọ đàm đạo với sư cụ Vô Uý trong tư cách một người ngoại đạo học hỏi một bậc cao tăng. Sự kiện tên Tây lùn Bernard phát hiện ra chuẩn uý thông ngôn Bùi Văn Hải hoạt động cho Việt Minh đã khiến thầy giáo Hải bị địch bắt. Trong những ngày bị tra tấn triền miên, Hải đã cất tiếng cầu “A di đà Phật!” trong tâm khảm. Những trận đòn chỉ khiến cho đôi mắt của Hải đã sáng lại càng sáng thêm. Chính giây phút kề cận cái chết là lúc Phật tính trong con người anh bộc lộ một cách rõ nét nhất. Anh như không hề nghe thấy những tiếng thét hỏi cung, những cực hình đau đớn, thay vào đó là tiếng chuông êm dịu ngân nga và trong cơn mê, anh thấy hình ảnh của Nguyệt - người yêu anh - bồng bềnh trong sương trắng. Cho tới khi đến bãi hành quyết, mặt bình thản, mắt sáng quắc như có điện, Hải dướn cao cổ nói với mọi người: “Đả đảo giặc Pháp dã man. Đồng bào. Hãy trả thù cho tôi!”. Thêm một lần nữa, Bernard phải ngơ ngác vì không thể lí giải nổi tại sao những trận tra tấn tàn bạo của hắn không thể đè bẹp được ý chí của ông giáo làng mảnh khảnh trói gà không chặt. Có lẽ, trong sâu thẳm tâm linh, Hải đã tìm được nơi neo đậu an lành. Theo nhà văn, đó là “nhu cầu tâm linh của con người ở những phút tột cùng? Hay anh đã là phật tử ở một tiền kiếp nào đó, mà chủng tử của nó vẫn ngủ yên trong vô thức của anh đến lúc tột cùng này mới thức dậy” [5; tr.416].

Người đọc còn có thể bắt gặp nhiều nhân vật khác cũng mang phẩm chất uy dũng của Phật giáo trong tiểu thuyết này. Đó là tiểu An - người đã biết “tự đi bằng đôi chân của mình”, là chính uỷ Vô Trần gặp cảnh đời nào vui hay khổ cũng can đảm, điềm nhiên vì ý thức sâu sắc “nghiệp của ta, ta phải gánh”, là sư bác Khoan Độ đã bất chấp hiểm nguy để bảo vệ chùa Sọ, bảo vệ Phật pháp, và thậm chí, là chú hổ Khoan Hoà hiền hoà đúng như tên gọi nhưng khi bị sập bẫy đã tự cắn đứt một chân rồi lê lết vào hang sâu chứ nhất định không chịu chết trong tay phường săn... Có thể nói, bất cứ ai đã từng được tưới tắm, thấm nhuần ánh sáng từ bi, đều hình thành trong mình tinh thần vô uý của đạo Phật. Vô uý, ấy là khả năng cao nhất của Phật giáo để khuất phục “cơn gió bụi” và thu phục kẻ gieo “bão nổi can qua”. Điều này giúp ta lí giải tại sao dưới thời đại Lí - Trần, khi đạo Phật là quốc giáo, dân tộc Việt Nam vẫn có đầy đủ sức mạnh để bình Chiêm, thắng Tống và ba lần đánh tan quân Nguyên – Mông. Câu chuyện về chùa Sọ cuối cùng đã “kết thúc có hậu” bởi những Phật tử với tinh thần vô uý đã can đảm, điềm nhiên vượt qua nghiệp chướng và mang tinh thần ấy đi xa hơn, rộng hơn.

 2.2. Trong Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh thường nói về nghiệp: “nghiệp của ta, ta phải gánh nhưng hãy gánh nó một cách điềm nhiên”. Trải qua bao sóng gió trong nghiệp cầm bút, Nguyễn Xuân Khánh vẫn điềm nhiên rèn nội lực để ngòi bút đạt đến trình độ “thượng thừa”. Đội gạo lên chùa dày gần 900 trang, ra mắt bạn đọc khi mà chỉ còn một năm nữa, tác giả của nó tròn 80 tuổi. Nhưng điều đáng nói hơn, nhà văn đã rất bản lĩnh đưa ra tiếng nói riêng về một trong những vấn đề tôn giáo khá “hóc búa”, mà nói như Phan Tuấn Anh là đã “cả gan phạm thượng” đến “cái vảy ngược” của con rồng tư tưởng [2; tr.117]. Thử thách quả là không dễ vượt qua. Vậy mà Nguyễn Xuân Khánh vẫn thể hiện được một thái độ điềm nhiên, như nhiên, khiến người đọc không hề cảm thấy sự gắng gượng của ngòi bút. Phải chăng đó cũng chính là tinh thần vô uý trong bút lực của một nhà văn đã thực sự đốn ngộ?

Vấn đề “hóc búa” ở đây là: Ở một đất nước thường xuyên bị xâm lăng, bị đô hộ, phải giành độc lập bằng con đường bạo lực cách mạng, thì người theo đạo Phật phải thể hiện lòng yêu nước thế nào? Sẽ từ chối hay miễn cưỡng dùng bạo lực? Vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại qua gần 900 trang sách, thành một trong những chủ đề lớn của thiên tiểu thuyết này. Bằng một vốn sống phong phú, sâu rộng, Nguyễn Xuân Khánh đã lựa chọn cho các nhân vật của mình những cách hành xử không có khuôn mẫu. Bởi nhà văn ý thức sâu sắc rằng Phật giáo Việt Nam đã nhập thế toàn triệt và hai chữ “tuỳ duyên” có độ mở, độ linh hoạt để phù hợp với những tình huống cụ thể của đời sống. Phật giáo Việt Nam là Phật giáo chúng sinh, đã có nhiều thế kỉ đồng hành và để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của dân tộc. Phật khuyến thiện nhưng vì cái thiện mà phải đấu tranh với cái ác. Đương đầu với các thế lực đe dọa đến vận mệnh dân tộc cũng là một phương thức hành thiện. Chính tinh thần ấy đã chi phối cách xây dựng nhân vật và giúp cho Nguyễn Xuân Khánh điềm nhiên giải quyết các tình huống truyện một cách rất “đạo” mà cũng rất “đời”.

Trường hợp sư thúc Vô Trần là một ví dụ tiêu biểu cho cách nhìn nhận ấy của nhà văn. Từng mê đắm khung cảnh hiền hòa, thanh bình nơi chùa Ổi tới mức nguyện cắt tóc đi tu, nhưng nhà sư đã phá giới trước tiếng gọi của tình yêu thế tục, rồi làm chủ tịch xã và trở thành một người cách mạng. Tinh thần “lạc đạo tùy duyên” ấy không chỉ xuất phát từ tư chất “thông minh cuồng nhiệt” như sư tổ Vô Chấp đã từng tiên lượng (“Người càng cuồng nhiệt thông mình thì càng dễ thay đổi”), mà còn có căn nguyên từ sự nhận thức sâu sắc về một cách hành xử văn hóa mang tinh thần Phật giáo của Vô Trần. “Nhà sư cách mạng” này đã từng khẳng định, bạo lực cách mạng là cần thiết ở bình diện một cộng đồng, một quốc gia bị chế độ thực dân thống trị, nhưng cũng không phủ định rằng lòng từ bi của Đức Phật sẽ “làm con người trở nên có văn hoá, trở thành con người đích thực” [5; tr.781]. Chú tiểu An lại là một cảnh ngộ khác, tuy cá biệt nhưng vẫn thể hiện cái nhìn nhất quán của nhà văn về vấn đề này. Vì tiếng gọi của tình yêu tổ quốc, An trút bỏ tấm áo nâu sồng, cầm súng, trở thành người lính can trường trong hàng ngũ quân đội nhân dân với quyết tâm sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ trở về nương nhờ bóng từ bi. Thế nhưng vì chữ “lụy nhân tình”, An đã lựa chọn việc chăm sóc Huệ - người bạn của An, con gái của sư thúc Vô Trần - sau chiến tranh đã thành một thương binh. Nghĩa là, An đã mang cái tâm cứu độ chúng sinh mà cư xử với một sinh linh khốn khổ rất cần nâng đỡ. Cũng không hề ngẫu nhiên khi nhà văn xây dựng hình tượng Khoan Độ - một sư bác nguyện thuỷ chung với Phật pháp, nhưng vẫn có thể giết chết tên Tây lùn Bernard. Bởi đó chính là hành động tiêu diệt ác căn, bảo vệ cái thiện. Như vậy, mỗi con người, vì những cảnh ngộ khác nhau, đã tìm đến nương nhờ dưới bóng từ bi của nhà Phật, nhưng hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc đã không cho phép người ta chọn cho mình cuộc sống yên ổn vị kỷ đó. Cầm vũ khí tấn công kẻ thù cũng là một cách hành thiện mà các bậc tu hành lựa chọn để diệt khổ bảo vệ chúng sinh và bảo vệ sự sống của chính mình. Có thể xem đó là sự “đốn ngộ” của chính nhà văn khi thấm nhuần lời dạy của Phật Thích Ca: “Ta đã trao cho các con một nắm chân lí như nắm lá khô trong tay ta vậy. Nhưng ngoài nắm chân lí này còn vô vàn những chân lí khác mà ta không đếm xuể” [5; tr 329].

Giải quyết các tình huống “hóc búa” cũng là một phương diện bộc lộ phẩm tính Phật của ngòi bút nhà văn. Chiến tranh qua đi, những cơn dâu bể lắng xuống đã một thời gian dài nhưng nhiều người vẫn chưa dứt bỏ hoàn toàn cái nhìn định kiến, kì thị đối với những gì mà một thời đã bị “quy kết”. Với bản lĩnh của một người cầm bút lịch duyệt, Nguyễn Xuân Khánh đã mô tả những người “bên kia chiến tuyến” ở nhiều quan hệ đời sống khác để xác tín một điều: đã là con người, ai cũng có Phật tính. Không phải sư Vô Úy không ghét thói trăng hoa của chánh Long, nhưng sư cụ vẫn coi ông ta là tri kỷ, trọng nết cư xử có văn hóa của người bạn già - người mà đến lúc chết chỉ xin được lấy tay chùi mặt cho mắt mũi sạch sẽ và “treo thế nào cho tôi được nhìn thấy xóm làng”. Trung uý Gustave, sau khi thực hiện lệnh đốt nhà dân, đã tâm sự với một kẻ dưới quyền: “Thật xấu hổ khi bà cụ lạy mình, có cảm giác như chính mẹ lạy mình” [5; tr 238]. Người lính ngụy tên Đức trong một cuộc đụng độ giáp lá cà, dù ở tư thế làm chủ, vẫn để cho An được sống và sau chiến tranh vẫn quay về tìm An để mong An tha lỗi vì tự ý thức mình “còn xa con đường chánh đạo”... Nguyễn Xuân Khánh hầu như không biết mệt mỏi trên hành trình tìm kiếm, khơi mở Phật tính trong các nhân vật của mình. Để thử thách phẩm tính Phật trong con người, nhà văn đã đẩy nhân vật vào những cuộc biến thiên dâu bể. Nhưng nhờ có niềm tin vững chắc, ông vẫn luôn giữ được thái độ khoan hoà, điềm tĩnh khi nhìn nhận con người và phán xét quá khứ.

Ngày miền Bắc giải phóng, làng Sọ tưởng sẽ được trở lại nhịp sống yên bình. Nào ngờ, cuộc cải cách ruộng đất đã khiến ngôi làng nhỏ bé ấy và rất nhiều làng quê khác trên miền Bắc lúc bấy giờ trở nên náo loạn. Biết bao nhiêu bi – hài kịch đã xảy ra và người ta đã phải chứng kiến quá nhiều kết cục đau lòng. Ngày nay nhìn lại, nhiều nhân chứng vẫn chưa hết bàng hoàng. Ba người khác của Tô Hoài là một ví dụ. Nguyễn Xuân Khánh thì khác, ông nhìn nhận sai lầm mang tính lịch sử ấy trong một trạng thái điềm tĩnh hơn. Với ông, đó chỉ là một cơn “bão nổi can qua” vì người làng quê có thiện căn nhưng cũng có cả ác căn, dễ dàng được khuyến thiện nhưng cũng dễ dàng bị xui ác. Cô Xim trong Đội gạo lên chùa vốn là đầy tớ của ông trưởng bạ, được ông cưu mang, nhận làm con nuôi, lại còn đứng ra tổ chức hôn lễ cho cô và Hạ khi cô đã có thai được bốn tháng. Vậy mà, nghe lời kích động của đội Khoát – cán bộ cải cách, cô đã bịa đặt đấu tố bố nuôi để rồi bị Hạ “bạt tai” và đuổi ra khỏi nhà. Rồi khi Hạ ngồi tù, cô lại ăn ở với người đàn ông khác. Những tưởng con người ấy sẽ mãi mãi là đồ bỏ đi. Vậy mà, trước cách hành xử tình nghĩa của Hạ, Phật tính trong cô như hồi sinh, cô đã tìm cách trả nghĩa cho Hạ, lại còn cố gắng tìm cho anh một người vợ tốt. Nhân vật Thêu trong tác phẩm cũng là một trường hợp tương tự trong hoàn cảnh đó. Vốn là một thôn nữ xinh đẹp của làng Sọ, cô đã lọt vào “mắt xanh” của Chánh Long và bị ép làm vợ thứ năm của lão. Dù đời sống vợ chồng không được như mong đợi, nhưng lão địa chủ này chưa làm điều gì quá đáng với Thêu, ngược lại còn xây nhà lập thổ đẹp nhất làng cho cô như một sự bù đắp vì cô còn quá trẻ. Thế nhưng, được đội cải cách phát động, trở thành rễ, Thêu đã dựng một kịch bản đấu tố rất hoàn hảo để đưa chồng tới cái chết - một cái chết nhục nhã, đau đớn. Rồi cũng đúng ngày chồng bị xử bắn, Thêu lại tằng tịu với anh đội Khoát khiến cho Rêu – con gái cô – vì đau đớn, nhục nhã phải trẫm mình dưới giếng thơm ngoài chùa. Trực tiếp đẩy chồng đến chỗ chết, lại gián tiếp gây ra cái chết cho con gái, đó là những hành động tàn nhẫn không thể biện minh được của Thêu. Người đọc có lẽ đã hình dung đoạn đời u ám còn lại của nhân vật. Nhưng thật bất ngờ, Nguyễn Xuân Khánh lại lựa chọn một kết cục khác. Về cách xử lí tình huống này của nhà văn, Văn Chinh đã bình rất xác đáng: “Nếu chưởng lực bút non, sau đó có thể bà Thêu ăn không ngon, ngủ không yên vì mặc cảm và vì sự đàm tiếu của người làng. Nhưng bà Thêu vẫn sống bình thường, làm chủ nhiệm hợp tác, khi lên cao hơn còn dành chức ấy cho cháu nội của chồng, đó là sự điềm nhiên mang tên Nguyễn Xuân Khánh” [1].

Giữa lúc xu hướng viết ngắn đang trở nên khá phổ biến, thì Nguyễn Xuân Khánh lại viết rất dài. Cả ba cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa, cuốn nào cũng ngót nghét ngàn trang. Và trong khi người ta đang đua nhau tìm tòi cách viết mới lạ, tân kì để gây ấn tượng/gây sốc, thì lão nhà văn này lại tìm về lối viết truyền thống. Rõ ràng, Nguyễn Xuân Khánh đã hoàn toàn tự do trên sân chơi tiểu thuyết. Trong các tiểu thuyết của mình, ông không nệ thực, không nương theo thị hiếu độc giả mà chủ động, tự tin đưa ra tiếng nói, cách hiểu của riêng mình về Nho giáo, Phật giáo, tín ngưỡng... Có thể xem đây là bản lĩnh, là tinh thần tự chủ của Nguyễn Xuân Khánh khi thực hiện cái “nghiệp” của mình. Có lẽ cũng bởi vì ông đã ý thức sâu sắc: “Người tu hành Phật giáo phải hiểu rằng muốn tìm được con đường Phật đạo, ta không được dựa vào bất cứ ai. Ta phải dựa vào chính bản thân mình” [5; tr. 772].

3. KẾT LUẬN

Bên cạnh cảm hứng tuỳ duyên, tinh thần vô uý trở thành một phần quan trọng trong cảm nhận/cảm hứng Phật giáo của Nguyễn Xuân Khánh ở Đội gạo lên chùa. Không chỉ dừng lại ở đó, vô úy, mà một biểu hiện của nó là sự điềm nhiên, tự chủ, còn trở thành tinh thần của người cầm bút trong quá trình kiến tạo tác phẩm. Điềm nhiên hoàn toàn không phải là thái độ dửng dưng, cũng như vô uý không phải là thái độ không biết sợ trước bất cứ điều gì để rồi trở thành vô cảm. Hạnh vô uý của đạo Phật dưới ngòi bút Nguyễn Xuân Khánh đã trở thành một lối sống - lối sống không sợ hãi trước nghịch cảnh, biết đến từ, bi, hỉ, xả để sống bình thường, bình thản giữa cuộc đời, ở cảnh đời nào cũng vui với đạo. Từ cách luận giải rất riêng nhưng không kém phần thuyết phục của lão nhà văn, độc giả có điều kiện hiểu sâu hơn, dễ dàng hơn về đạo Phật nói chung và tinh thần vô uý của Phật giáo nói riêng. Đó còn có thể là “tài liệu tham khảo” về một lối sống/cách hành xử cho những độc giả tâm đắc với tác phẩm và đồng cảm với nhà văn.  

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO   

 

1.      Văn Chinh (6/2011), “Tinh thần dân chủ của Phật giáo Việt qua tiểu thuyết Đội gạo lên chùa”, http://www.vanvn.net

2.      Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên) (2012), Lịch sử và văn hoá, cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, Nxb Phụ nữ - Viện Văn học, Hà Nội.

3.      Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu Thượng Ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

4.      Nguyễn Xuân Khánh (2007), Hồ Quý Ly, (tái bản) Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

5.      Nguyễn Xuân Khánh (2011), Đội gạo lên chùa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

6.      Mai Anh Tuấn (8/2011), “Tiểu thuyết như một tham khảo Phật giáo” http://vietvan.vn/

Video

Album

số lượt truy cập
40585558