Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

Tuyển sinh hệ đại học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường

Cập nhật lúc: 05:12 PM ngày 05/03/2014

Từ năm học 2014 - 2015, trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa sẽ tuyển sinh hệ đại học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường

Thông tin chi tiết:

Ngành: Công nghệ kỹ thuật môi trường

Chỉ tiêu: 80

Hình thức: Thi tuyển theo 3 chung

Khối thi: A, A1

1.1. Giới thiệu ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Với tầm nhìn chiến lược, trường Đại học Hồng Đức là nơi đi đầu về xây dựng và phát triển nhiều ngành đào tạo mới của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có ngành thuộc lĩnh vực môi trường. Trường đã nhìn thấy tầm quan trọng của ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng như nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực này đối với sự phát triển của tỉnh nhà.

Ngày 23 tháng 01 năm 2014, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định số:  221/QĐ-BGDĐT  thành lập ngành Công nghệ kỹ thuật Môi trường thuộc trường Đại học Hồng Đức mở ra một trang mới trong sự nghiệp đào tạo cán bộ môi trường cho của tỉnh Thanh Hóa. Về cơ sở vật chất và tiềm lực nghiên cứu Công nghệ kỹ thuật Môi trường đã và đang được nhà trường tăng cường bằng các trang thiết bị hiện đại, phục vụ trong công tác đào tạo và góp phần hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ khoa học thực hiện nhiều đề tài/dự án nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường và Phát triển bền vững đất nước.

Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật môi trường tỉnh Thanh Hóa:

Hiện nay, Thanh Hóa có khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn và 5 khu công nghiệp (Lễ môn, Bỉm Sơn, Lam Sơn, Hoàng Long và Đình Hương-Tây bắc ga). Cùng với quá trình phát triển đô thị và công nghiệp hóa, nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật môi trường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp ngày càng tăng. Để đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn và có hiệu quả và đảm bảo số cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường đạt trên 80% năm 2015 và 90% năm 2020 như trong mục tiêu phát triển của Tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đã đề ra, hầu hết các đơn vị đều phải quan tâm đầu tư đúng mức cho vấn đề bảo vệ môi trường, kiểm soát và xử lý chất thải. Từ đó dẫn đến nhu cầu chuyên môn nguồn nhân lực được đào tạo về lĩnh vực môi trường phục vụ tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp là khá lớn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 90 % các xã, phường và 100 % các đơn vị Thành phố, Huyện, Thị xã đã có các phòng hoặc ban quản lý tài nguyên và môi trường. Theo quy định về cơ cấu nhân sự, mỗi phòng ban này ở các xã, phường phải có ít nhất một cán bộ có chuyên môn về môi trường trình độ đại học hoặc cao đẳng; ở các huyện, thị phải có ít nhất 2 cán bộ công nghệ môi trường có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, do điều kiện về nguồn nhân lực ở thời điểm hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên hầu hết các cán bộ tham gia tại các phòng tài nguyên môi trường ở các xã phường đều ở chế độ kiêm nhiệm, rất ít trong số đó là những người có chuyên môn về công nghệ môi trường; ở các huyện, thị xã và thành phố thì số cán bộ có chuyên môn phù hợp để phụ trách về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật môi trường mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Từ đó dẫn đến việc quản lý, điều hành giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường trên địa bàn Tỉnh đang còn rất nhiều hạn chế và bất cập.

Năng lực làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp:

1. Có năng lực thiết kế hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, không khí và các hệ thống kiểm soát ô nhiễm trong các khu công nghiệp và đô thị.

2. Có khả năng phân tích, xử lý các kết quả thực nghiệm trong kiểm soát ô nhiễm môi trường. Có năng lực thiết kế và tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm liên quan tới phân tích đánh giá hiện trạng và đánh giá rủi ro môi trường.

3. Có khả năng tiếp cận các kiến thức về công nghệ và kỹ năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật công nghệ hiện đại cần thiết cho công tác quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

4. Có khả năng ứng dụng các kiến thức về toán học, tin học và Khoa học cơ bản vào việc tổ chức quản lý các vấn đề kinh tế - kỹ thuật mang đặc thù của ngành.

5. Có khả năng tổ chức và làm việc hiệu quả trong một nhóm đa ngành và đa dạng về văn hoá.

6. Năng lực nhận biết và giải quyết các vấn đề công nghệ có liên quan tới các yếu tố vật chất và con người; Có khả năng trình bày kết quả.

7. Có khả năng nhận thức về nhu cầu học tập và có năng lực thực hiện việc học tập liên tục, học tập suốt đời.

8. Có nền tảng và khả năng cập nhật những kiến thức, những kỹ năng để có thể đương đầu với những thử thách mới trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

9. Hiểu biết về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

10. Có khả năng hiểu biết xã hội, khả năng khai thác thông tin phục vụ cho hoạt  động chuyên môn, có ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động nghề nghiệp.

11. Sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng như: thiết kế, quản lý các hệ thống cấp nước, mô phỏng các quá trình lan truyền chất ...phục vụ công việc chuyên môn.

12. Có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp.

1.2. Cơ hội việc làm và vị trí công tác sau khi tốt nghiệp

1. Làm việc tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý các hệ thống xử lý chất thải thuộc các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sản xuất và kinh doanh như: Chi cục quản lý môi trường, phòng tài nguyên và môi trường, các trung tâm kỹ thuật, công nghệ môi trường, Công ty Môi trường đô thị, Các ban quản lý các khu công nghiệp, Công ty tư vấn thiết kế, Các nhà máy xí nghiệp...và các dự án xây dựng cơ bản...

2. Tham gia giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành Công nghệ Môi trường tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

3. Thực hiện các nghiên cứu khoa học, ứng dụng và triển khai các đề tài nghiên cứu vào trong thực tiễn ở lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ sự phát triển bền vững tại các Viện nghiên cứu, các trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành, các trường Đại học...

 

Trường Đại học Hồng Đức

Khoa Kỹ thuật - Công nghệ

03.03.2014

Các tin mới hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40582829