Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

Thông tin tuyển sinh khoa Kỹ thuật – Công nghệ

Cập nhật lúc: 08:23 AM ngày 23/05/2013

1. Ngành Kỹ thuật Công trình xây dựng 2. Ngành Vật lý ứng dụng 3. Ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử

Thông tin tuyển sinh khoa Kỹ thuật – Công nghê; Trường Đại học Hồng Đức

1. Ngành Kỹ thuật Công trình xây dựng

Chỉ tiêu: 50

Hình thức: Thi tuyển theo 3 chung

Khối thi: A, A1

1.1. Giới thiệu chuyên ngành Kỹ thuật công trình xây dựng.

Ngành Kỹ thuật công trình xây dựng, khoa Kỹ thuật Công nghệ – trường Đại học Hồng Đức được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào tạo từ năm 2010. Đây được đánh giá là chương trình đào tạo tiên tiến hiện nay. Chương trình đào tạo gồm 4 chuyên ngành hẹp là: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng cầu đường, Xây dựng công trình thủy và Xây dựng cầu hầm. Bốn chuyên ngành hẹp trong chương trình đào tạo chỉ khác nhau 24 tín chỉ (6 môn học), vì vậy sinh viên có thể dễ dàng học các chuyên ngành còn lại để khi ra trường có nhiều sự lựa chọn về việc làm hơn. Đặc biệt, sau khi ra trường sinh viên hoàn toàn có cơ hội được học cao học ở 4 chuyên ngành nói trên.

Năng lực làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp:

Sinh viên được trang bị những kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cơ bản để giải quyết những vấn đề đặt ra của ngành kỹ thuật xây dựng công trình: Như thiết kế và thi công được các loại công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng dân dụng và công nghiệp; Có khả năng tổ chức quản lý dự án xây dựng, hợp đồng xây dựng; có kiến thức cơ bản về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, về tổ chức sản xuất, quản lý kinh tế và hoạch toán trong công ty, doanh nghiệp; có khả năng chuyển đổi thích hợp nghề nghiệp cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế – xã hội, các biến động của thị trường lao động.

1.2. Cơ hội việc làm và vị trí công tác sau khi tốt nghiệp

Sau khi được đào tạo, các Kỹ sư kỹ thuật công trình có thể công tác tốt tại các công ty tư vấn xây dựng, công ty xây dựng có chức năng tư vấn, thiết kế, thi công thuộc các ngành thuỷ lợi, xây dựng dân dụng và công nghiệp, giao thông và các cơ quan quản lý các cấp, các cơ quan nghiên cứu Khoa học – Công nghệ. Có thể giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và có thể học tập tiếp để có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Tại Thanh Hóa, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động. Điển hình là khu kinh tế Nghi Sơn, khu công nghiệp Bỉm sơn và khu Công nghiệp công nghệ cao Thọ Xuân đã thu hút được rất nhiều dự án lớn trong và ngoài nước. Theo dự báo về nhu cầu lao động của tỉnh đến năm 2015 cần 800.000 lao động, trong đó Kỹ sư về lĩnh vực xây dựng sẽ cần 178.000 người. Đây chính là cơ hội việc làm rất lớn cho những sinh viên theo học ngành này.

 

2. Ngành Vật lý ứng dụng

Chỉ tiêu: 50

Hình thức: Thi tuyển theo 3 chung

Khối thi: A, A1

2.1. Giới thiệu chuyên ngành Vật lý ứng dụng

Ngành học vật lí ứng dụng trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và hiện đại nhất của ngành vật lý có tính ứng cao trong thực tiễn, với chương trình luôn luôn được cập nhật những kiến thức mới nhất của vật lí học hiện đại. Với đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao gồm 1 PGS, 7 TS trong đó có nhiều người được đào tạo, nghiên cứu hoặc đã từng làm việc tại các nước có trình độ khoa học Kỹ thuật tiên tiến như Pháp, Thụy Điển, Cộng Hòa Liên Bang Đức, Hàn Quốc và  4 NCS đang chuẩn bị bảo vệ luận án TS Vật lí tại Đại học Aix-Marseill – CH Pháp; ĐH Zielona Gora-Ba Lan, Viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự; cùng với những phòng thí nghiệm và xưởng thực hành với đầy đủ các trang thiết bị máy móc hiện đại vừa được trang bị và những kỹ thuật viên là những kỹ sư và thạc sĩ được đào tạo tại Đại học Bách khoa Hà nội chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu chuyên môn cao của chuyên ngành và đòi hỏi của sinh viên.

Năng lực làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp:

Trong quá trình đào tạo, rất nhiều môn học thuộc khối kỹ thuật công nghệ có tính ứng dụng cao trong thực tiễn như Điện tử viễn thông, Điện dân dụng, Kỹ thuật cơ khí, Tự động hóa, Khoa học vật liệu, Vật lí laser…được đưa vào giảng dạy và tăng cường thực hành, thực tế nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp sinh viên có đầy đủ kiến thức để chủ động trong công việc; sinh viên có thể làm các công việc điều khiển thiết bị máy móc tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, trong các dây chuyền sản xuất tự động, hay làm việc với các trang bị kỹ thuật trong các bệnh viện, vật tư y tế, trong các phòng thí nghiệm, các cơ sở quảng cáo…  Sinh viên cũng có thể học tiếp chương trình cao học chuyên ngành Vật lí chất rắn và chuyên ngành Vật lí lí thuyết tại Đại học Hồng Đức, hoặc các chuyên ngành cao học và Nghiên cứu sinh Vật lí khác tại các trường đại học, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

2.2. Cơ hội việc làm và vị trí công tác sau khi tốt nghiệp

Thanh hóa là một tỉnh đông dân vào bậc nhất của cả nước, với sự phát triển kinh tế năng động với nhiều khu công nghiệp và nhà máy lớn như  Bỉm sơn, Lam Sơn, Mục Sơn, Sầm sơn đặc biệt khu Công nghiệp Nghi Sơn mà với riêng nhà máy lọc hóa dầu với tổng đầu tư 9 tỉ USD (lớn nhất nước) sẽ khởi công trong tháng 4/2013, cùng với khu công nghệ cao của Tỉnh sắp khởi công tại huyện Thọ Xuân sau khi cảng hàng không Thọ Xuân-Thanh Hóa được đưa vào sử dụng. Do vậy, trong thời gian sắp tới nhu cầu lao động qua đào tạo có chất lượng cao sẽ rất lớn, riêng khu kinh tế Nghi Sơn tính đến năm 2015 sẽ thu hút khoảng 145.000 lao động và đến năm 2020 thì nhu cầu lao động tăng lên đến 320.000 lao động tập trung vào các lĩnh vực lọc hóa dầu, vận hành và quản lý điện, xi măng, sản xuất điện tử và công nghệ sản xuất thép. Đây cũng chính là những vị trí và cơ hội việc làm phù hợp cho sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lí ứng dụng thuộc của Khoa Kỹ Thuật Công Nghệ, trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa.

 

3. Ngành Công nghệ kỹ thuật điện điện tử

Chỉ tiêu: 50

Hình thức: Xét tuyển theo điểm thi đại học

Khối thi: A, A1

3. 1. Giới thiệu chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật điện-điện tử.

Ứng dụng của kỹ thuật Điện-điện tử đã đi vào mọi lĩnh vực ngành nghề của cuộc sống xã hội hiện đại ngày này. Từ các thiết bị điện trong nhà như Ti vi, Laptop, nồi cơm điện, máy giặt, bàn là điện v.v… đến ô tô, xe máy, các máy móc nông lâm, ngư nghiệp cho đến các thiết bị y tế v. v… đều có các mạch điện tử điều khiển. Thế giới càng phát triển thì nhu cầu về các thiết bị điện, điện tử tiện ích càng lớn. Vậy có thể nói nhu cầu về ngành nghề điện, điện tử cho xã hội là vô cùng to lớn. Hơn nữa thực trạng nước ta hiện nay với điều kiện chính trị ổn định đã và đang có nhiều nhà sản xuất công nghiệp nước ngoài đến đầu tư.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế và hiện trạng các ngành nghề đòi hỏi ứng dụng kỹ thuật điện-điện tử, Khoa Kỹ thuật Công nghệ đã và đang tập trung đầu tư đào tạo nhân lực ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử đáp ứng yêu cầu xã hội.

Đối với chương trình đào tạo, Bộ môn Cơ điện-điện tử đã chuẩn hóa nội dung theo chương trình của Bộ giáo dục & đào tạo đáp ứng các kiến thức nền tảng về ngành nghề và những kiến thức chuyên sâu về công nghệ Kỹ thuật điện-điện tử đồng thời có tính mềm dẻo cập nhật kiến thức mới hiện đại của ngành nghề và nhu cầu xã hội.

Nhà trường đang chú trọng phát triển đào tạo ngành điện, điện tử coi đây một trong những mũi nhọn phát triển của nhà trường, cụ thể đã đầu tư vào dự án xây dựng xưởng thực hành kỹ thuật điện-điện tử hiện đại với kinh phí gần 40 tỉ đồng.

Đảm bảo có đầy đủ thiết bị, ph­­­ương tiện phục vụ, đổi mới phư­­­ơng pháp giảng dạy và nâng cao chất l­­­ượng; đủ giáo trình, tài liệu, xưởng thực hành, thí nghiệm phục vụ học tập cho sinh viên. Phối hợp với các cơ quan và nhà truyển dụng để luôn đáp ứng cơ sở thực hành, thực tập.

Hàng năm công khai nội dung, ch­ương trình, đề c­­ương chi tiết môn học, chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp vào đầu năm học

Trong quá trình đào tạo Bộ môn cũng ưu tiên đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên như ngoài việc học theo thời khóa biểu cứng, sinh viên có thể thành lập các nhóm tự học, tự nghiên cứu và đăng ký học tại xưởng thực hành bất kỳ lúc nào cũng có giáo viên hướng dẫn.

Năng lực làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp:

- Vận dụng các kiến thức toán học, khoa học ứng dụng để tính toán kỹ thuật, giải quyết các bài toán kỹ thuật thường gặp trong công việc chuyên môn;

- Xác định vấn đề và giải quyết các bài toán kỹ thuật trong lĩnh vực ngành điện, điện tử;

- Có khả năng làm các bài thực hành ở phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, đo lường điện-điện tử, vận hành thiết bị kỹ thuật, kiểm tra thí nghiệm và làm báo cáo kết quả thí nghiệm, đưa ra nhận xét và đề xuất phương án cải thiện;

- Thông thạo các vấn đề kỹ thuật điện-điện tử, phát triển những ý tưởng và phương pháp đúng đắn để xác định và giải quyết vấn đề.

- Thiết kế, chế tạo các thiết bị kỹ thuật điện-điện tử và chuyển giao công nghệ,

- Vận hành, khai thác, bảo trì các hệ thống và thiết bị kỹ thuật điện-điện tử;

- Vận dụng những hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm kỹ thuật áp dụng vào thực tế ngành điện , điện tử;

- Trình bày những ý tưởng và ứng dụng các kỹ năng kỹ thuật bằng lời hay văn bản bằng các thiết bị truyền thông và phần mềm;

- Khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, có khả năng tiếp cận với những công nghệ và phần mềm mới trong công việc;

- Lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa các loại thiết bị điện- điện tử trong công nghiệp và dân dụng thoả mãn tính hiệu quả kinh tế, môi trường, sức khỏe, an toàn và đảm bảo tính đa dạng văn hóa;

- Có năng lực chịu trách nhiệm công việc và tiếp tục phát triển các kỹ năng lãnh đạo.

3. 2. Cơ hội việc làm và vị trí công tác sau khi tốt nghiệp

Các nhà máy, công ty, xí nghiệp và dây truyền sản xuất tự động, các công ty điện lực, quản trị mạng điện trong các cơ quan, doanh nghiệp,…

Sinh viên có thể tiếp tục học liên thông lên đại học bằng việc học thêm một số tín chỉ.

Hiện nay, từ lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp cho đến y tế đều cần phải có người làm kỹ thuật điện, điện tử và các kỹ thuật viên tự động hóa để điều khiển và vận hành các thiết bị điện, điện tử. Do đó nhu cầu của xã hội với ngành này vô cùng to lớn. Thực tế cho thấy sinh viên CĐ hai khóa trước đây khi ra trường hầu hết đã tìm được việc làm và có thu nhập ổn định.

 

4. Môi trường học tập:

Được học tập trong môi trường nghiêm túc, không chạy theo thành tích mà theo chất lượng học tập

Được thực hành trên mô hình cũng như các thiết bị thực tế, gắn với lý thuyết nên sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ và đặc biệt là có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Được hưởng thụ các kiến thức, kinh nghiệm cả trong giảng dạy và thực tiễn của các giáo sư có uy tín từ các trường đại học lớn của Hà Nội.

Sinh viên luôn được sự quan tâm, động viên khích lệ của cán bộ giảng viên trong khoa. Sinh viên luôn được tạo điều kiện trong học tập và tham gia các hoạt động cộng đồng.

Được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với các giảng viên thực hiện đề tài các cấp.

Được phục vụ miễn phí các trang thiết bị, phòng thí nghiệm, phòng máy tính của khoa Kỹ thuật Công nghệ

Được tham gia miễn phí các lớp học nâng cao, các lớp tập huấn sử dụng phần mềm chuyên ngành

Được tham gia giao lưu với các cựu sinh viên, các nhà quản lý, sử dụng lao động

Được tham gia trải nghiệm thực tế (được trả lương) tại một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như một số công ty liên doanh nước ngoài tại Việt Nam.

Được sống trong môi trường Đoàn thể năng động, được tham gia vào các câu lạc bộ chuyên ngành như: “ CLB Kỹ sư xây dựng”, “CLB tiếng Anh”, “CLB tin học”, “Đội tình nguyện”,… Qua đó các bạn sinh viên sẽ trưởng thành cả về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cũng như kỹ năng sống.

 

Các tin mới hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40582863