Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

Báo cáo tổng kết công tác NCKH và tuổi trẻ sáng tạo HSSV năm học 2006 - 2007

Cập nhật lúc: 10:53 AM ngày 11/01/2013

 BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ          PHONG TRÀO TUỔI TRẺ SÁNG TẠO TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN NĂM HỌC 2006-2007 VÀ PHƯƠNG HƯÓNG NĂM HỌC 2007-2008

 

            I. TỔNG KẾT CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHONG TRÀO TUỔI TRẺ SÁNG TẠO TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN NĂM HỌC 2006-2007


       Trong sự phát triển chung của giáo dục và đào tạo, vấn đề Khoa học và Công nghệ được đặt ra và ý thức như một động lực của sự phát triển xã hội. Những năm gần đây với sự tác động mạnh mẽ của các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, thế giới đang chuyển biến với một nền kinh tế và xã hội mới mà thông tin và tri thức được xem là nguồn lực chủ yếu.

          Đẩy mạnh hoạt động Khoa học- Công nghệ ở các trường Đại học, Cao đẳng trong đó hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và điều đó được thể hiện trong nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá IX về việc phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến 2010. Quán triệt tinh thần Nghị quyết trên, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu trường Đại học Hồng Đức đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn trường thực hiện tốt công tác NCKH của sinh viên và luôn coi đây là biện pháp quan trọng nhằm phát triển và bồi dưỡng nhân tài tạo nguồn lực có trí tuệ cao để phục vụ sự phát triển của Nhà trường và các mục tiêu Kinh tế- Xã hội của tỉnh nhà.

Qua nhiều năm phát triển, hoạt động NCKH của sinh viên trường Đại học Hồng Đức được triển khai với quy mô lớn, chất lượng ngày càng cao. Hội nghị NCKH sinh viên trở thành hoạt động thường kỳ tạo nên không khí học thuật sôi nổi góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2006-2007, với vai trò xung kích của Đoàn thanh niên và sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các đơn vị, đặc biệt là sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của đội ngũ cán bộ giảng viên, hoạt động NCKH sinh viên đã có những bước tiến mới với thành tích đáng khích lệ.

1. Những kết quả đạt được.

          1.1. Hoạt động NCKH của sinh viên đã, đang đi vào nề nếp và diễn ra ở hầu khắp các đơn vị trong trường thực sự tạo nên không khí học thuật sôi nổi trong sinh viên.

- Năm học 2006-2007, có 122 SV làm luận văn đồ án tốt nghiệp, trong đó khối sư phạm 80; khối KTKT 42 SV.

- Cũng trong năm học này, hoạt động NCKH trong HSSV và phong trào tuổi trẻ sáng tạo đã đi vào nề nếp và diễn ra ở hầu hết các đơn vị trong trường; đã có 91 nhóm với 194 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, tăng 86 sinh viên so với năm học trước, trong đó khối sư phạm 130 SV, khối kinh tế kỹ thuật 64 SV.

- Về nội dung: Nghiên cứu cơ bản 32 đề tài (35,1%) đi sâu tìm hiểu mở rộng kiến thức các môn toán, lý, hoá, sinh, văn học, ngôn ngữ, lịch sử, tin học, mỹ thuật...; Khoa học giáo dục 18 đề tài (19,8%) nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy học, tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng kiến thức mới và hiện đại vào việc giảng dạy….; Khoa học quản lý 16 đề tài (17,6%) nghiên cứu về thực trạng và các giải pháp phát triển các cơ sở kinh tế xã hội ở địa phương, nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá…; Nghiên cứu ứng dụng 25 đề tài (27,5%) ứng dụng tin học để quản lý khối lượng giảng dạy, hỗ trợ dạy học, xây dựng các modul, phần mềm ứng dụng, ứng dụng các chế phẩm sinh học vào nông nghiệp, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khảo nghiệm các giống cây trồng vật nuôi có chất lượng cao… Đặc biệt trong năm học này, sinh viên đã quan tâm hơn đến định hướng phát triển của địa phương và có ý thức lựa chọn các đề tài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội: "Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch biển Sầm Sơn", "So sánh và tuyển chọn các giống lúa chất lượng cao vụ xuân 2007 tại xã Quảng Thành, thành phố Thanh Hoá", "Thực trạng về hoạt động dịch vụ viễn thông của Bưu điện tỉnh Thanh Hoá", "Thực trạng và giải pháp phát triển kinh doanh nhà ở…". Nhiều đề tài, công trình mang tính ứng dụng phục vụ tốt cho hoạt động động đào tạo của trường như: "Quản lý khối lượng giảng dạy cho khoa Kỹ thuật Công nghệ", "Thiết kế và quản trị mạng LAN", "Xây dựng trang Web…"Nghiên cứu tổng hợp giọng nói Tiếng Việt. Xây dựng các modul ứng dụng"…   

- Năm học 2006-2007, hầu hết các đơn vị tổ chức một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng quy trình và có chất lượng hội nghị khoa học sinh viên, đây thực sự trở thành ngày hội khoa học trong sinh viên toàn trường vào những ngày cuối năm học. Qua đánh giá từ cơ sở đã lựa chọn được18 công trình xuất sắc tham gia dự thi cấp trường và 4 công trình tham gia dự thi Sinh viên NCKH do Bộ GD&ĐT tổ chức.

1.2. Các đơn vị đã chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ với các liên chi đoàn đẩy mạnh các hoạt động Hội nghị hội thảo, hội thi, thành lập các CLB, xây dựng nhóm sinh viên tài năng:

- Xác định rõ được vị trí và tầm quan trọng của công tác NCKH sinh viên, nên ngay từ đầu năm học, các đơn vị đã chỉ đạo và phát huy tốt vai trò của Trợ lý khoa học cùng vói Liên chi đoàn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phương pháp NCKH cho sinh viên, tổ chức nhiều hội thảo trao đổi về phương pháp học tập và NCKH tiêu biểu như các đơn vị: Khoa Khoa học Tự nhiên (KHTN), Sư phạm Tiểu học (SPTH), Kỹ thuật Công nghệ (KTCN), Sư phạm Mầm non (SPMN)…. Xác định rõ vai trò trách nhiệm, động viên sự tham gia đông đảo của đội ngũ giáo viên giúp sinh viên trong công tác NCKH.

          - Hình thành và tăng cường sự hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) chuyên ngành như: CLB Toán, Lý, Hoá, Sinh (khoa KHTN), CLB những người yêu thơ, CLB báo chí, CLB du lịch (Khoa Khoa học Xã hội), CLB Toán, Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật (khoa SPTH), CLB tiếng Anh (Khoa Ngoại ngữ), CLB những nhà doanh nghiệp trẻ khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh (KT-QTKD). Các CLB đã được tổ chức định kỳ với nội dung phong phú, thiết thực và thu hút được nhiều lượt sinh viên tham gia.

          - Tổ chức tốt các Hội thi chuyên môn, nghiệp vụ, rèn nghề và hướng dẫn viên du lịch,… cho học sinh, sinh viên (HSSV), tiêu biểu như các khoa KTCN, KHTN, KHXH, SPTH, Ngoại ngữ…; ý tưởng kinh doanh sáng tạo (Khoa KT- QTKD). Đây thực sự là những ngày hội và là sân chơi bổ ích cho sinh viên; thông qua hội thi, kiến thức, nghiệp vụ và ý thức nghề nghiệp của sinh viên đã được nâng lên rõ rệt, làm cho HSSV thấy yêu nghề và gắn bó với nghề nghiệp của mình. Tổ chức thành công cuộc thi Tìm hiểu các môn Khoa học Mác Lênin (Khoa Mác- Lênin).

          - Xây dựng các nhóm sinh viên tài năng ở khoa KTCN. Thông qua hoạt động của nhóm sinh viên tài năng, khả năng sáng tạo của sinh viên được phát huy đáng kể, ngày càng có nhiều đề tài NCKH được ứng dụng vào sản xuất. Trong khuôn khổ Dự án "Xây dựng phần mềm quản lý công tác đào tạo trường Đại học Hồng Đức", các nhóm sinh viên tài năng của khoa KTCN đã tham gia tích cực và đóng góp đáng kể vào thành công của Dự án, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động đào tạo của Nhà trường. Đặc biệt trong năm học này, thực hiện chủ trương và kế hoạch của Nhà trường, một số khoa đã thành lập đội thi ROBOCON năm 2007 như khoa KHTN, KTCN…. Cuộc thi đã và đang thu hút được nhiều sinh viên tài năng tham gia, góp phần khơi dậy tinh thần học tập, sáng tạo trong HSSV và hưởng ứng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Trường.

          - Tổ chức kỳ thi Olympic các môn Tin học, Toán, Lý, Hoá đã thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia. Trong kỳ thi Olympic toàn quốc, trường ta đã giành được kết quả như sau: môn Toán đạt 9 giải, trong đó có 2 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích; môn Vật lý đạt 1 giải ba; môn Tin học đạt 02 giải ba. 

1.3. Duy trì và phát triển hoạt động thông tin khoa học, gặp gỡ giao lưu:

          - Định kỳ ra báo bảng ở các khoa KHTN, SPTH, KHXH, KTCN, NLNN. Hình thức này đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo HSSV, thông qua đó giúp HSSV trao đổi và cập nhật kịp thời các thông tin phục vụ cho việc học tập, NCKH của bản thân và hoạt động của Lớp, của Đoàn.

          - Các đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tham gia viết bài trên Thông tin Khoa học Khoa như Tập san Khoa học Xã hội và nhân văn, Nội san Bút xanh ở khoa KHXH. Các hoạt động này diễn ra thường xuyên và tập hợp được khá đông đảo các nhà sáng tác và nghiên cứu trẻ trong khoa.  

          - Tổ chức sinh hoạt chuyên đề và giao lưu giữa HSSV với giáo viên, với Công ty Unilever và các nhà tin học trẻ tài năng thành đạt như Giám đốc Công ty FPT, Giám đốc Trung tâm Phần mềm MISA,…qua đó khích lệ lòng tự tin và yêu nghề của HSSV, đồng thời cung cấp thông tin về thị trường lao động, cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai cho HSSV (khoa KT-QTKD, khoa KTCN). 

1.4. Tổ chức quản lý:

- Năm học 2006-2007, hầu hết các đơn vị đã phổ biến, quán triệt Văn bản số 43/ĐHHĐ-QLKH ngày 8/2/2006 của Hiệu trưởng để thực hiện Quyết định 08/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 30 tháng 3 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế NCKH của sinh viên; Quyết định 753/QĐ-ĐHHĐ ngày 16/10/2006 của Hiệu trưởng về việc ban hành quy định quy trình quản lý các nhiệm vụ KH&CN trong trường Đại học Hồng Đức, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và động viên khích lệ HSSV tham gia NCKH.

- Làm tốt công tác phối hợp giữa phòng chuyên môn và các đơn vị trong việc chỉ đạo tổ chức, triển khai hoạt động NCKH, từ việc đăng ký đến việc đánh giá kết quả của các đề tài tiêu biểu như đơn vị: Khoa KHTN, KHXH, SPTH, KTCN.

          - Năm học vừa qua, đã có sự kết hợp tốt hơn giữa các đơn vị với các Liên chi đoàn (LCĐ) trong việc động viên HSSV đăng ký kế hoạch NCKH; Chỉ đạo chặt chẽ hơn quy trình đánh giá kết quả NCKH của Sinh viên.

          - Đoàn trường đã chủ động phối hợp với các đơn vị mở rộng các hình thức hoạt động phong trào (CLB, Hội thảo, Diễn đàn, giao lưu đối thoại...). Việc tổ chức các hoạt động này đã có những cải tiến theo hướng: Cán bộ, giáo viên thực sự chỉ đóng vai trò cố vấn, định hướng, chú trọng tạo điều kiện để HS, SV tự trình bày, tự bộc bạnh tâm tư, hoài bão. Qua đó làm cho HSSV thấy tự tin, khích lệ nhu cầu ham hiểu biết.

          - Tiếp tục duy trì và phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đoàn viên thanh niên là giáo viên, nhân viên trong trường trong việc học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ NCKH và giúp đỡ sinh viên NCKH, làm cố vấn trong việc tổ chức các hoạt động phong trào.

          - Có sự phối kết hợp, chủ động hơn trong việc xây dựng, chỉ đạo kế hoạch tổng kết đánh giá hoạt động NCKH của HSSV và phong trào Tuổi trẻ sáng tạo giữa Đoàn trường và chuyên môn.

2. Những hạn chế, tồn tại.

Ngoài những thành tích, kết quả đạt được nêu trên, phong trào NCKH của sinh viên trong trường cũng còn một số hạn chế.

- Thời gian sinh viên đầu tư cho NCKH còn hạn chế, chất lượng và khả năng ứng dụng của các đề tài chưa thật cao. Một số sinh viên còn ngại khó, ngại khổ, chưa hăng say, tìm tòi trong hoạt động khoa học. Bên cạnh đó, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong việc đọc tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài do trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.

- Việc kiểm tra đôn đốc, chưa thường xuyên, một số ít đơn vị chưa thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ quy trình quản lý trong tổ chức triển khai thực hiện đề tài NCKH sinh viên. Các hình thức hoạt động phong trào (CLB, diễn đàn, giao lưu, thông tin khoa học…) phát triển chưa đồng đều ở các đơn vị.

- Kinh phí cho hoạt động NCKH sinh viên ngày càng được nhà trường quan tâm đúng mức, các sinh viên thực hiện đề tài đều được nhà trường hỗ trợ kinh phí tuy nhiên số kinh phí này còn khá khiêm tốn, chưa mang lại hiệu quả thực sự trong việc động viên khuyến khích sinh viên NCKH.

          - Số lượng các đề tài NCKH của sinh viên ít so với tổng số sinh viên đang học tại trường, chất lượng đề tài còn nhiều hạn chế cần phải đầu tư nhiều hơn nữa, các đề tài thuộc lĩnh vực KHGD còn mang tính lý thuyết chưa chú trọng khâu thực nghiệm. Một số đề tài trong cách trình bày chưa đảm bảo cấu trúc của báo cáo khoa học.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

          Mặc dù còn những hạn chế, tồn tại nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, phát huy tốt vai trò xung kích của Đoàn thanh niên và được sự quan tâm chỉ đạo của các đơn vị nên có thể khẳng định rằng: Hoạt động NCKH và phong trào TTST trong HSSV năm học 2006-2007 đã và đang có những chuyển biến đáng phấn khởi theo hướng phát triển phong phú hơn các hình thức hoạt động và nâng cao dần về chất lượng các đề tài, đã khích lệ được nhu cầu ham hiểu biết và mong muốn sáng tạo trong HSSV, thật sự tạo ra không khí học thuật sôi nổi trong toàn trường.

 

PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHONG TRÀO TUỔI TRẺ SÁNG TẠO (TTST) TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC               HỒNG ĐỨC NĂM HỌC 2007-2008

                                   

Phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã tích luỹ trong những năm vừa qua, khẩn trương khắc phục những thiếu sót, tồn tại, vận dụng và khai thác tốt tiềm năng to lớn của hoạt động NCKH sinh viên nhà trường, tạo sự chuyển biến vững chắc và rõ nét hơn trong hoạt động NCKH và phong trào TTST của HSSV năm học 2007-2008, nhằm tạo ra không khí sinh hoạt, học thuật sôi nổi của tuổi trẻ nhà trường, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo cuả trường Đại học Hồng Đức.

          Muốn đạt được những mục tiêu như trên, cần thực hiện những chủ trương và giải pháp cơ bản sau:

          1. Về mặt nhận thức:

 - Đối với giáo viên, trước hết là lãnh đạo các đơn vị, tổ trưởng bộ môn và toàn thể giáo viên phải coi NCKH của sinh viên là kết quả của đào tạo; là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo.

- Đối với sinh viên, cần phải xem đó là một nhiệm vụ và vinh dự, phải say mê tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề khoa học tuỳ theo mức độ kiến thức, có thể kết quả nghiên cứu không mang lại gì cho cộng đồng, cho khoa học nhưng lại mang lại cho chính bản thân sinh viên một bản lĩnh, ý chí phấn đấu, một phong cách tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện một thói quen học tập suốt đời.

2. Về mặt quản lý:

2.1. Phòng chuyên môn thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu cho nhà trường trong việc chỉ đạo hoạt động NCKH thể hiện ở một số nội dung sau:

- Giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho từng đơn vị trong hoạt động NCKH của sinh viên. Luôn coi trọng và xem việc hướng dẫn sinh viên NCKH của giảng viên là một tiêu chí trong đánh giá xếp loại Cán bộ Giảng viên.

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng thể hoạt động NCKH của sinh viên, trình Ban Giám hiệu phê duyệt cùng với hoạt động NCKH của cán bộ, giảng viên cũng như trong công tác quản lý chỉ đạo hoạt động này.

- Sửa đổi, bổ sung vào Văn bản số 43/ĐHHĐ-QLKH, ngày 08 tháng 02 năm 2006 của Hiệu trưởng nhà trường về việc hướng dẫn thực hiện quy chế NCKH của sinh viên để phù hợp hơn với tình hình thực tế của nhà trường.

          2.2. Phát huy hơn nữa vai trò xung kích của Đoàn trường nói chung, của lực lượng cán bộ, giáo viên là đoàn viên thanh niên nói riêng trong hoạt động NCKH và phong trào TTST. Trong đó, đặc biệt quan tâm những mặt sau đây:

          - Đề cao vai trò gương mẫu đi đầu của đội ngũ giáo viên trẻ trong học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao khả năng NCKH đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường; Đề phòng biểu hiện ngại khó, suy tính quyền lợi, thiếu ý chí vươn lên trong NCKH của HS, SV trong điều kiện cơ chế, chính sách còn chưa đủ mạnh khuyến khích NCKH trong sinh viên .

          - Kết hợp chặt chẽ với các đơn vị để duy trì các hình thức hoạt động đã có và phát triển đều khắp ở các LCĐ, các đơn vị với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Thực hiện hình thức liên kết với một số cơ sở Đoàn trong Tỉnh và trong hệ thống các trường Đại học để thúc đẩy phong trào TTST.

          - Thể hiện đầy đủ hơn mọi hoạt động của chuyên môn, Đoàn trường Hội sinh viên về công tác NCKH của HS, SV trong kế hoạch chung của nhà trường.

          2.3. Phát huy đầy đủ trách nhiệm quản lý của các khoa, bộ môn và sự phối kết hợp với các LCĐ để thúc đẩy hoạt động NCKH của HS, SV và phong trào tuổi trẻ sáng tạo ở đơn vị. Trong đó coi trọng các việc:

          - Phổ biến Hướng dẫn số 43/ĐHHĐ-QLKH, ngày 08 tháng 02 năm 2006 của Hiệu trưởng nhà trường về hướng dẫn quy chế nghiên cứu khoa học của sinh viên đến các HS, SV mới vào trường và những lớp, những khóa chưa có điều kiện tiếp thu.

          - Xác định rõ vai trò trách nhiệm, động viên sự tham gia đông đảo của đội ngũ giáo viên giúp HS, SV trong công tác NCKH.

          - Tổ chức trao đổi về phương pháp quản lý, kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo hoạt động NCKH của HS, SV, phong trào TTST cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên; tổ chức bồi dưỡng phương pháp NCKH cho những sinh viên có đề tài.

          - Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch NCKH của HS, SV chặt chẽ, đảm bảo quy trình quản lý các đề tài của sinh viên từ khâu đăng ký đến thẩm định, kiểm tra đôn đốc, nghiệm thu đánh giá kết quả.

          - Về nội dung nghiên cứu của đề tài: Cần tập trung theo định hướng: Nghiên cứu cơ bản: Đi sâu, mở rộng kiến thức các môn học thuộc chương trình đào tạo gắn với suy nghĩ vận dụng lý thuyết để giải quyết những vấn đề thực tiễn; Nghiên cứu khoa học giáo dục: Nghiên cứu chương trình nội dung sách giáo khoa mới để cải tiến phương pháp dạy học trong trường phổ thông; Đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực Tin học, Nông Lâm nghiệp. Phát triển dạng đề tài của sinh viên làm nhánh cho các đề tài cuả giáo viên; Nâng cao chất lượng các đề tài, phấn đấu có nhiều công trình đạt giải cấp Bộ.

          2.4. Tranh thủ tốt hơn sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ của các cấp, các ngành hữu quan nhằm tạo thêm nguồn kinh phí và mở mang thông tin cho HS, SV.

          Quán triệt và thực hiện tốt phương hướng, chủ trương và các giải pháp cơ bản trên đây, chúng ta tin tưởng công tác NCKH và phong trào TTST trong HS, SV trường Đại học Hồng Đức năm học tới 2007-2008 sẽ gặt hái được một vụ mùa bội thu, góp phần đáng kể vào thành tích chung của toàn trường.

Các tin mới hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40589698