Hong Duc University shapes your future!

Nghiêm trị hành vi lợi dụng mạng xã hội để xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, bôi nhọ danh dự cá nhân

Cập nhật lúc: 02:54 CH ngày 18/01/2018

(TTV) - Không chỉ dừng lại ở việc đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội một cách vô ý thức hoặc do nhận thức còn hạn chế, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin thất thiệt, giật gân nhằm mục đích câu like, thu hút quảng cáo, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT và hoang mang, lo lắng trong nhân dân, đáng bị lên án.

 www.youtube.com/watch

 Mới đây, ngày 21/7/2017, một địa chỉ facebook có tên Hương Trần đã đăng tải thông tin về vụ bắt cóc trẻ em tại xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc. Ngay sau khi đăng tải, bài viết này đã nhận được vố số lượt thích, bình luận trên mạng xã hội với tốc độ chia sẻ chóng mặt. Tuy nhiên, sau khi xác minh, thông tin này thực chất chỉ là một câu chuyện tưởng tượng do chủ facebook trú tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đăng tải nhằm thu hút lượng lớn người truy cập vào trang facebook cá nhân của mình. Ngày 6/11/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa quyết định xử phạt chủ nhân trang facebook này 5 triệu đồng.

Không chỉ đăng tải những câu chuyện không có thật với mục đích chỉ để câu like, nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc thông tin, bóp méo lịch sử, nhận định phiến diện các vấn đề trong xã hội, bôi nhọ danh dự các tập thể, cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn đối với công chúng và sử dụng mạng xã hội như công cụ hữu hiệu để lan truyền những thông tin độc hại này. Nhiều người sau khi được giáo dục đã kịp tỉnh ngộ, nhận rõ phải trái, cam kết không tái phạm. Song một số đối tượng do bị tiêm nhiễm tư tưởng độc hại, khi bị bắt, xử lý vẫn có thái độ bất hợp tác, vu cáo Nhà nước ta “đàn áp dân chủ, nhân quyền”.

Đối tượng Nguyễn Trung Tôn, sinh năm 1971 ở xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương. Từ năm 2013 đến nay, Nguyễn Trung Tôn thường xuyên đăng tải, chia sẻ, bình luận trên trang facebook cá nhân những bài viết tuyên truyền chống Đảng, nhà nước, xuyên tạc lịch sử dân tộc; nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc tiểu sử thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân Nguyễn Trung Tôn đã tham gia vào nhiều tổ chức phản động cực đoan như “Khối 8406”, “Hội đồng liên tôn”, bị bắt và bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 2 năm tù giam, quản chế 2 năm về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước. Sau khi ra tù, Tôn tiếp tục móc nối với Nguyễn Văn Đài- đối tượng cầm đầu tổ chức “Hội anh em dân chủ” để chống phá đảng, Nhà nước và nhân dân. Tháng 7/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Tôn trong vụ án “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Nguyễn Văn Tráng, sinh năm 1991, ở xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, từng là sinh viên khoa kỹ thuật công nghệ, trường Đại học Hồng Đức. Khi còn là sinh viên, Tráng luôn có những hoạt động đi ngược với quy chế giáo dục đào tạo của nhà trường với những phát ngôn phản kháng cực đoan. Sau khi tham gia Hội Anh em dân chủ, Tráng đã thường xuyên sử dụng trang facebook Trang Nguyen (Vô Danh Khách) để đăng tải các bài viết, hình ảnh, video clip lôi kéo, kích động người khác, in ấn tài liệu, chế tạo băng zôn, khẩu ngữ chửi bới chế độ và trực tiếp tham gia các cuộc tụ tập đông người, biểu tình dưới danh nghĩa yêu nước, bảo vệ môi trường..vv.. để gây rối trật tự công cộng.

Cũng như Nguyễn Văn Tráng, Lê Văn Sơn là đối tượng có nhận thức lệch lạc, lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, nên đã bị các đối tượng thù địch lôi kéo, tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Với hành vi chống đối cực đoan của mình, tháng 8/2011 Lê Văn Sơn đã bị bắt, sau đó bị kết án 4 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị phạt quản chế 4 năm cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau khi ra tù, những tưởng Lê Văn Sơn sẽ cải tà quy chính, nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Vừa mới mãn hạn tù, Lê Văn Sơn đã sử dụng trang facebook cá nhân với nickname các Paulus Lê Sơn; Paulus Lê Văn Sơn để làm công cụ đăng tải những bài viết tiêu cực, đi ngược đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước; kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân, đặc biệt là giáo dân tham gia biểu tình, tụ tập đông người, gây rối ANTT; bôi nhọ, xúc phạm, vu khống các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Không chỉ vi phạm nghiêm trọng về pháp luật Việt Nam, Lê Văn Sơn còn là 1 kẻ băng hoại về đạo đức, lấy đất nước làm đòn bẩy để nhận tiền ngoại bang, lừa tình, gạt dân, phản bội anh em và bị chính đồng bọn lên án, vạch trần.

Lê Thị Vuôn, sinh năm 1962 hiện là giáo viên của một trường THPT trên địa bàn huyện Đông Sơn. Với tư tưởng cực đoan, Lê Thị Vuôn đã thường xuyên sử dụng tài khoản facebook cá nhân Cương Biên để viết, đăng tải các bài viết chống chế độ cực kỳ quyết liệt, như: xuyên tạc thực tế tình hình đất nước; phủ nhận thành quả và ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám; xuyên tạc hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam; công khai kích động, ủng hộ những kẻ chống phá đất nước và bày tỏ ước muốn lật đổ chế độ.

Ngoài các đối tượng cực đoan, phản động trên, thời gian qua công an tỉnh Thanh Hoá đã tập trung đấu tranh vô hiệu hoá nhiều đối tượng xấu có các hoạt động viết, đăng tải bài, video clip có nội dung sai trái, thù địch trên mạng Iternet. Điển hình như đấu tranh, làm rõ và đưa ra kiểm điểm đối tượng Va Chống Sự, ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát về hành vi móc nối, liên lạc với các đối tượng phản động lưu vong người Mông ở cả trong và ngoài nước để xin tiền viện trợ và tổ chức khai thác, đăng tải, tán phát nhiều video clip có nội dung phản động, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ, kêu gọi thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”. Thậm chí Va Chống Sự còn tụ tập, lôi kéo, kích động một số đối tượng quá khích bao vây, bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa, uy hiếp, hành hung và tìm cách đầu độc cán bộ.

Đối tượng Nguyễn Danh Dũng, ở phường Tào Xuyên, TP.Thanh Hóa là chủ tài khoản và quản trị, điều hành kênh Youtube “ThienAn TV”, đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh bắt giữ về hành vi đăng tải, phát tán hơn 700 video clip có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng Internet. Kết quả điều tra cho biết: Nguyễn Danh Dũng đã tạo lập và quản trị các tài khoản Youtube ThienAn TV; Facebook “ThienAn”, “quachthienan”; blog “tinhhinhdatnuocvietnam.blogspot.com”, sau đó khai thác, sử dụng và biên tập lại các bài viết, video clip từ một số trang mạng phản động, rồi chèn logo ThienAn TV, thêm hình ảnh đại diện, điều chỉnh lại giọng điệu, thay đổi các tiêu đề có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo địa phương,

Hành vi của Nguyễn Danh Dũng là hết sức nguy hiểm, đã bị cơ quan An ninh điều tra công an Thanh Hoá khởi tố về tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân và bị TAND TP.Thanh Hoá tuyên phạt 30 tháng tù giam.

Nghị quyết TW4 khoá 12 khẳng định: Những thông tin xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch cùng sự lơ là mất cảnh giác của một bộ phận cán bộ Đảng viên đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ. Tình trạng này có thể dẫn đến tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lí tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Do đó, đây là yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết không chỉ riêng của của lực lượng CAND mà là yêu cầu chung đối với cả hệ thống chính trị cần có sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn dân.

Tuy nhiên, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, trước cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tính chất nguy hại của những quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ, giáo viên, học sinh, sinh viên… tham gia cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, ai cũng có quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, nhưng quyền ấy là có ranh giới, mỗi người hãy tỉnh táo nhận diện và tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại, để không bị kẻ xấu hướng lái, lôi kéo, biến mình thành nhà “dân chủ mạng” và trở thành con rối của kẻ địch, sử dụng mạng internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ./.

Theo Công an Thanh Hóa


Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40588644