Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

XÂY DỰNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT THỬ NGHIỆM BIODIESEL TẠI KHOA KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC

Cập nhật lúc: 10:20 PM ngày 13/07/2015

Khoa Kỹ thuật Công nghệ - trường Đại học Hồng Đức đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ thực hiện KH&CN cấp tỉnh “ Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nhiên liệu sinh học từ các cây có dầu tại tỉnh Thanh Hóa”, theo Quyết định số 1644/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2014.

 Dự án thành công sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp và gián tiếp như sau:

1. Lợi ích kinh tế

Năng lượng sinh học có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ, đang cạn kiệt: Do năng lượng sinh học có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong các phương tiện giao thông và các thiết bị năng lượng,  mặt khác có thể sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Chính vì vậy, triển vọng của loại nhiên liệu này là rất cao trong tương lai. Lợi ích kinh tế có đạt được như sau:

- Ở góc độ chi phí sản xuất: sản xuất các sản phẩm của dự án sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao dựa trên chi phí sản xuất thấp và quy trình công nghệ phù hợp.  Các nghiên cứu cho thấy sản xuất và sử dụng biodiesel tương đối đơn giản hơn so với các dạng nhiên liệu mới khác như hydro, pin nhiên liệu, LPG, và quá trình sản xuất không đòi hỏi sử dụng công nghệ phức tạp, đắt tiền.

- Ở góc độ vĩ mô: trong tương lai, khi dự án thành công và được triển khai nhân rộng thông qua chuyển giao công nghệ sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh sản xuất năng lượng sinh học, từ đó có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ, ngày càng khan hiếm và cạn kiện. Đặc biệt là dự án có thể đạt lợi ích kinh tế cao hơn khi nguồn nguyên liệu chính được sử dụng là nguyên liệu sẵn có của địa phương.

-  Ở góc độ vi mô: dự án thành công mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp khi sản xuất dầu biodiesel B100 và cung cấp ra thị trường, mang lại nguồn thu kinh tế trực tiếp thông qua lợi nhuận sản xuất hàng năm. Đồng thời, tăng nguồn thu thông qua việc chuyển giao công nghệ nhân rộng mô hình dây truyền sản xuất. Dây chuyền công nghệ đi vào hoạt động còn là cơ sở vật chất quan trọng trong đào tạo của nhà trường, giảm thiểu các chi phí trong quá trình nghiên cứu, học tập các nội dung chuyên môn liên quan đến công nghệ sinh học. Dự án thành công và được nhân rộng còn mang đến cơ hội để một bộ phận lớn người sản xuất cây trẩu và cây sở có điều kiện nâng cao thu nhập thông qua việc sản xuất hàng hóa hai cây trồng này.

2.  Phát triển kinh tế xã hội

Một trong những tác động quan trọng của dự án đó là thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, các tác động được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một số tác động cụ thể như:

- Góp phần thoát khỏi sự lệ thuộc vào sử dụng dầu mỏ, mặc dù dự án ở quy mô nhỏ, nhưng sự thành công của dự án sẽ từng bước góp phần phát triển quy mô sản xuất nhiên liêu sinh học trong nước, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội;

- Trực tiếp tạo ra lợi nhuận và các nguồn thu cho cơ sở sản xuất biodiesel khi dự án thanh công và triển khai nhân rộng;

- Trực tiếp tạo cơ hội nâng cao thu nhập và ổn định thu nhập đối với người sản xuât các cây trồng liên quan đến  nguyên liệu sản xuất biodiesel. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp với sản phẩm chưa có giá trị gia tăng cao, chưa tham gia nhiều trong thị trường sản phẩm, và năng lực cạnh tranh hạn chế, thì việc ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, là cơ hội để tăng thu nhập cho nông dân và phát triển kinh tế xã hội.

3. Đào tạo sinh viên khoa Kỹ thuật Công nghệ - Trường ĐH Hồng Đức

Giảm chi phí trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với chuyên môn liên quan đến nhiên liệu sinh học. Thực tế cho thấy, để đào tạo sinh viên ngành liên quan đến công nghệ sinh học đòi hỏi phải đầu tư dây chuyền sản xuất và các quy trình công nghệ trong sản xuất nhiên liệu sinh học, với chi phí khá tốn kém và phức tạp, không thể đầu tư trong ngắn hạn. Việc triển khai dự án và xây dựng mô hình sẽ có tác động tích cực trực tiếp đến việc đào tạo các chuyên ngành liên quan. Dự án tạo ra một mô hình tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao tại trường Đại học Hồng Đức trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học, hóa học sinh khối, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, công nghệ môi trường và là địa điểm thực hành tốt cho sinh viên trong lĩnh vực truyền nhiệt, thiết bị, điện, xử lý môi trường…Góp phần phát triển nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và của cả nước.

3. Đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường

Nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ thực vật nên chúng sinh ra ít hàm lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và ít gây ô nhiễm môi trường hơn các loại nhiên liệu truyền thống. Hơn nữa, sự cân bằng trong phát thải CO2 đối với biodiesel còn thể hiện qua chu trình khép kín: biodiesel sau khi sử dụng sẽ thải khí CO2, cây trồng hấp thụ khí CO2 cùng với năng lượng mặt trời lại phát triển, tạo ra nguồn nguyên liệu cho sản xuất biodiesel.

Ở phạm vi toàn cầu, khí thải ôtô chiếm gần 20% tổng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát tán ra từ các quá trình liên quan tới năng lượng. Cả ethanol và biodiesel đều bảo đảm giảm đáng kể phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Kết quả các công trình nghiên cứu cho thấy biodiesel giảm tới 70% so với dầu diesel. Hàm lượng các khí thải độc hại khác như CO, NOx, SOx, hydrocarbon đều giảm đi đáng kể khi sử dụng nhiên liệu sinh học.

Ngoài ra, nhiên liệu sinh học còn có khả năng phân hủy sinh học nhanh, ít gây ô nhiễm nguồn nước và đất.

4.  Bảo đảm an ninh năng lượng

Phát triển nhiên liệu sinh học giúp các quốc gia chủ động, không bị lệ thuộc vào vấn đề nhập khẩu nhiên liệu, đặc biệt đối với những quốc gia không có nguồn dầu mỏ và than đá; đồng thời kiềm chế sự gia tăng giá xăng dầu, ổn định tình hình năng lượng cho thế giới. Do được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tái tạo, biodiesel thật sự là một lựa chọn ưu tiên cho các quốc gia trong vấn đề an ninh năng lượng. Hơn nữa, việc phát triển nhiên liệu sinh học trên cơ sở tận dụng các nguồn nguyên liệu sinh khối khổng lồ sẽ là một bảo đảm an ninh năng lượng cho các quốc gia.

Ths. Lê Sỹ Chính- Khoa KTCN

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40582829