Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

ĐẨY MẠNH CỘNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI THANH HÓA

Cập nhật lúc: 10:28 PM ngày 13/07/2015

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa tập trung nguồn lực để phát triển KT – XH, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, mặt trái là tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, các bệnh viện đến mức báo động.

 Trước thực trạng đó, chính quyền các cấp ở tỉnh đã có biện pháp, chính sách phù hợp trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

1. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 472 cụm công nghiệp, làng nghề. Đặc biệt, Thanh Hóa có khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn và 5 khu công nghiệp (Lễ môn, Bỉm Sơn, Lam Sơn, Hoàng Long và Đình Hương-Tây bắc ga) trong đó các khu kinh tế là động lực để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng cũng chứa đựng những nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường nếu như không được kiểm soát chặt chẽ. Các khu công nghiệp hiện nay đang thu hút được 57 dự án với tổng vốn đầu tư trên 14 tỉ USD tập trung ở một số ngành nghề chủ yếu như: Lọc hóa dầu; Xi măng; Nhiệt điện và Luyện cán thép... ở khu Kinh tế Nghi Sơn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các khu công nghiệp khác với ngành nghề thuộc các lĩnh vực chế biến nông, lâm, hải sản và sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng. Tuy đã mang lại hiệu quả kinh tế song hoạt động của các cụm công nghiệp, làng nghề đã khiến bức tranh về môi trường ở những nơi này đang ở mức báo động.

Cùng với chất thải, sự ô nhiễm không khí tại các cụm công nghiệp, làng nghề từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sự phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải, thực phẩm thừa, thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chế biến thủy sản, lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, chất chống mốc cho các sản phẩm mây tre đan từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ… cũng gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, tập trung tại các KCN cũ, do các KCN này đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Ô nhiễm không khí tại các KCN chủ yếu là bụi, một số KCN có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn. Trong khi đó tại các KCN mới, do được đầu tư công nghệ hiện đại, hệ thống xử lý khí thải đồng bộ trước khi xả thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các KCN này đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này đều có chung nhận định vấn đề ô nhiễm môi trường KCN, CCN đang trở thành một vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh Thanh Hóa, làm suy thoái môi trường đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Ðể từng bước khắc phục tình trạng này, theo chúng tôi thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về BVMT tại các KCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, cũng như kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển, nhất là ở khâu thẩm định, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp BVMT, đồng thời chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong KCN, CCN sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình BVMT.

2. Những nhà máy xử lý rác thải đã và đang được xây dựng tại Thanh Hóa

a/ Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận đã được phê duyệt từ năm 2010, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 89 tỷ đồng, phạm vi phục vụ bao gồm: Thành phố Thanh Hóa và các huyện Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa, địa điểm xây dựng tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, công tác GPMB cơ bản đã chi trả xong cho 157/159 hộ dân. Tuyến đường giao thông từ QL45 vào khu xử lý với tổng chiều dài tuyến là 2,263 Km đường cấp V đồng bằng và đường giao cắt với đường sắt Bắc - Nam với tổng mức đầu tư hơn 52 tỷ đồng, năm 2014 tỉnh đã bố trí kế hoạch 18 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển rác thải vào khu xử lý sau khi đóng cửa bãi rác Cồn Quán, phường Phú Sơn, Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị và nhà thầu đã thống nhất điều chỉnh tiến độ thi công tuyến đường từ 18 tháng xuống còn 6 tháng kể từ ngày khởi công. Đến nay, chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu xong. Khu chôn lấp hợp vệ sinh với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, hiện đã tổ chức thi công tuyến đường nội bộ và khu chôn lấp hợp vệ sinh.

b/ Công ty Cổ phần Môi Trường Nghi Sơn được thành lập theo giấy chứng nhận đầu tư số: 262031000058 cấp ngày: 19-06-2009 do Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa cấp ngày 19 - 06 - 2009. Công ty có diện tích 40 ha và sẽ xây dựng xong nhà máy xử lý chất thải vào tháng 10/2014 tới với công suất:

- Xử lý chất thải nguy hại:       40.000 tấn/năm

- Xử lý chất thải sinh hoạt:      200 tấn/ngày

- Xử lý chất thải công nghiệp: 50.000 tấn/năm

3. Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật môi trường tại khoa Kỹ thuật Công nghệ, trường Đại học Hồng Đức

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, nhất là ở cấp địa phương vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, số lượng cán bộ có chuyên môn làm công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị trên còn rất ít, đối với các Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ chiếm chưa đến 10% lực lượng cán bộ quản lý.

Đối với tỉnh ta, một tỉnh đang trên đà phát triển thì vấn đề vệ sinh môi trường và xử lí rác thải là vấn đề cần được đưa lên hàng đầu trong quá trình tiến tới phát triển một nền kinh tế bền vững. Các ban ngành cơ quan trong toàn tỉnh cũng đã đề ra và thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn sâu tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện một cách rất nghiêm túc. Các doanh nghiệp cũng cần có cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật môi trường để có thể vận hành các hệ thống xử lý ô nhiễm đất, nước, không khí trước khi thải ra môi trường xung quanh. Với nguồn nhân lực có chuyên môn, có thể khắc phục kịp thời những biến cố bất thường trong quá trình xử lý ô nhiễm môi trường, để từng bước cải thiện môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề tại tỉnh Thanh Hóa.

Trường Đại học Hồng Đức là cơ sở đào tạo đáng tin cậy của tỉnh, trong quá trình đào tạo cán bộ ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường. Góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi trường đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa.

Ths. Lê Sỹ Chính- Khoa Kỹ thuật Công nghệ

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40582825