Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

ĐÀO TẠO GẮN VỚI NHU CẦU XÃ HỘI TẠI KHOA KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC

Cập nhật lúc: 11:14 AM ngày 31/07/2015

Con số 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hẳn chưa phải là con số chính xác nhưng nó đã cảnh báo cho chúng ta một tình trạng hết sức lo ngại. Tuy vậy, nhiều công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng lại không tuyển dụng được nhân sự bởi họ không đáp ứng yêu cầu. Hơn thế nữa, những người tốt nghiệp ra trường dẫu có xin được việc thì cũng phải trải qua thời kỳ đào tạo lại.

             Trước thực trạng đó, khoa KTCN đã và đang triển khai một tư duy đào tạo mới trên quan điểm quá trình đào tạo là quá trình bồi dưỡng và tạo động lực thúc đẩy năng lực riêng của mỗi cá nhân nhằm đáp ứng những yêu cầu tối thiểu giúp người học có thể thực hiện một hoặc một số công việc nào đó trong thực tiễn.

      Trên tinh thần đó, khoa KTCN đã và đang tăng cường các kỹ năng thực hành của người học đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng. Gắn lý thuyết với thực hành được coi như là con đường giúp người học có các kỹ năng thực tiễn. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là mấu chốt của vấn đề. Chúng tôi chọn bước đột phá là tìm hiểu những yêu cầu tối thiểu của người sử dụng lao động, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ở từng vị trí công tác. Từ đó, chúng tôi sẽ tổ hợp những kiến thức, kỹ năng tối thiểu cần có để một sinh viên ra trường cũng như tỉ lệ nguồn nhân lực cần thiết ở các vị trí công tác theo nhu cầu và sở thích của mỗi cá nhân để có thể đáp ứng ngay được yêu cầu không những về chất lượng mà còn số lượng nguồn nhân lực ở các vị trí công tác theo yêu cầu xã hội.

      Về việc xác định chuẩn kỹ năng, kiến thức: Hiện tại, ở tất cả các bộ môn, các học phần giảng dạy được xây dựng những chuẩn kiến thức và đặc biệt là kỹ năng cần có khi kết thúc học phần. Những kỹ năng này sẽ là thước đo để đánh giá không những sinh viên mà còn là chuẩn bắt buộc mà mỗi cán bộ giảng viên giảng viên tham gia giảng dạy cần phải vượt qua. Nói cách khác, tất cả cán bộ giảng viên muốn giảng dạy học phần nào đó thì phải trải qua phần sát hạch về kỹ năng thực hành và kỹ năng xử lý các tình huống/ vấn đề xảy ra. Các kỹ năng như thế không những thành thạo được thể hiện bằng việc thực hiện một seri các thao tác hợp lý mà còn phải phân tích, đánh giá được một cách chi tiết từng thao tác đó. Chuẩn kỹ năng kiến thức được cập nhật thường xuyên trên cơ sở sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ,… bằng nguồn tài liệu trong và ngoài nước và đặc biệt là ý kiến của nhà tuyển dụng.

       Về đáp ứng vị trí công tác: Trên cơ sở xác định được phân bố vị trí công tác theo nhu cầu nguồn lực lao động, nhóm các vị trí công tác sẽ được hình thành trên cơ sở phát hiện và bồi dưỡng năng lực riêng của mỗi sinh viên phù hợp với từng vị trí công tác sau này. Trên quan điểm tất cả sinh viên đáp ứng yêu cầu tối thiểu, các nhóm sở thích gắn liền với nhóm vị trí công tác được hình thành và phát triển theo định hướng của các bộ môn nhằm phát huy tốt nhất khả năng, phẩm chất của mỗi cá nhân trong quá trình đào tạo. Điều này cũng giúp định hướng cho sinh viên có định hướng vị trí công tác sau khi tốt nghiệp. Điều này cũng phù hợp với quan điểm mới về đào tạo đó là tối đa hóa khoảng cách giữa đầu ra và đầu vào của quá trình đào tạo được coi như là hiệu suất của quá trình đào tạo trong nhà trường.

        Sau khi xác định được chuẩn kỹ năng kiến thức tối thiểu mà được coi là hồ sơ năng lực của người học, một sơ đồ logic mô tả những kiến thức/kỹ năng liên quan được thiết lập để có thể xây dựng hồ sơ năng lực của người học. Trên cơ sở sơ đồ logic, các học phần sẽ được hình thành để đảm bảo các kiến thức/kỹ năng sơ cấp, trung gian rồi đến thứ cấp (tức đầu ra). Hệ thống các học phần với những chuẩn kiến thức, kỹ năng đầu ra sẽ cho phép hình thành một chương trình đào tạo của ngành một cách lôgic, khoa học và gọn nhẹ, nghĩa là các kiến thức “thừa” không có cơ hội tồn tại trong chương trình. Chương trình này sẽ được đánh giá, góp ý của các chuyên gia giáo dục và đặc biệt là các nhà tuyển dụng, các cựu sinh viên đang làm việc theo nhóm ngành nghề tương ứng. Tuy nhiên, chương trình này sẽ luôn được cập nhật, bổ sung trên cơ sở cập nhật bổ sung bộ hồ sơ năng lực của người học, đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều này một lần nữa khẳng định chúng tôi dạy những gì xã hội cần chứ không dạy cái gì mà mình có.

        Cuối cùng, các kỹ năng mềm sẽ được lồng ghép vào các học phần trong đó phát huy vai trò của người học bằng việc dạy cho sinh viên cách tự học, tự bồi dưỡng với mục tiêu cuối cùng là người học năng lực phát hiện, giải quyết  báo cáo vấn đề.

       Hiện tại, khoa KTCN đào tạo trình độ thạc sĩ vật lý chất rắn, kỹ sư 3 ngành Kỹ thuật công trình xây dựng, Kỹ thuật môi trường và Kỹ thuật điện – điện tử. Đào tạo cao đẳng ngành Kỹ thuật điện – điện tử. Đào tạo 2 ngành cao đẳng nghề: Lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp và Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

                                                                                                                          TS. Lê Viết Báu - Trưởng khoa

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40582914