Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

VĂN HÓA ĐỌC SÁCH - NÊN BẮT ĐẦU TỪ GỐC

Cập nhật lúc: 03:34 PM ngày 27/02/2013

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn kể rằng, cách đây hơn nửa thế kỷ, ở phố nhỏ và hẻo lánh Hội An, cha của ông - không biết bằng một tài năng kỳ diệu nào đó mà qua bao nhiêu xáo trộn của những chuyến tản cư, chạy giặc vất vả, hiểm nguy, khi trở về phố sau kháng chiến chống Pháp.

Vẫn giữ được cho gia đình một tủ sách đầy đặn, được coi là tài sản quý nhất trong nhà. Ông cụ chăm lo tủ sách gia đình là để cho các con đọc.  

 

Chính trong tủ sách ấy, một hôm, mới 12 tuổi, Bùi Văn Nam Sơn tò mò cầm đọc một cuốn sách của Nguyễn Đình Thi viết về triết học Decartes, và tuy chẳng hiểu gì cả, song vẫn giật mình ngạc nhiên một cách thích thú: hóa ra ở đời còn có một thế giới khác, gồm toàn những chuyện rắc rối, bí hiểm ở đâu đâu, mà trong sách lại chẳng thấy xuất hiện bóng dáng một nhân vật cụ thể nào cả!

 

Cuốn sách nhỏ trong tủ sách gia đình ngày ấy do cha ông, bằng một tình yêu văn hóa và đạo đức phi thường nâng niu gìn giữ, đã đưa Bùi Văn Nam Sơn lên con đường dài của cuộc sống trí tuệ, để hơn 50 năm sau, trở thành nhà nghiên cứu triết học uyên thâm, người đầu tiên đã dịch ra tiếng Việt toàn bộ tác phẩm Phê phán nổi tiếng của Kant, một trong những bộ sách quan trọng nhất trong gia tài tri thức của toàn nhân loại.

 

Lê Thành Khôi - một trong những học giả người Việt có uy tín trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội trên thế giới cũng từng nhấn mạnh đến những yếu tố dẫn dắt ông vào con đường nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Trưởng thành trong môi trường giáo dục thuộc địa những năm đầu thế kỷ XX, học bằng tiếng Pháp, chính gia đình là nền tảng đầu tiên kết nối ông với văn hóa dân tộc: “Trong gia đình, mẹ tôi rất sùng đạo Phật, ngày nào cũng tụng kinh.

 

Có lẽ ít nhiều do ảnh hưởng đó nên hiện nay khi biên soạn quyển lịch sử và tuyển tập văn học Việt Nam bằng tiếng Pháp, tôi cảm thấy rất thú vị với việc dịch một số văn thơ đượm hương vị Thiền, đặc biệt những tác phẩm vào thời Lý Trần, trong đó có nhiều tác phẩm chưa bao giờ được chuyển ngữ sang tiếng Tây phương. Còn cha tôi thì thiên về Khổng giáo. Nhà ngày trước có nhiều sách Tây và sách ta, nhờ vậy tôi có dịp đọc nhiều ngay từ thuở bé” (trích Từ Đông sang Tây, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005).

 

Có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó những câu chuyện có cùng nội dung tương tự. Ngay cả bản thân chúng ta, chắc hẳn nhiều người vẫn còn giữ lại những kỷ niệm về cuốn sách đầu tiên từng để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong quá khứ. Đã có một thế hệ thiếu nhi Việt Nam trưởng thành với, với thơ Trần Đăng Khoa, thơ Phạm Đa Hổ, với những truyện ngắn của Nghiêm Văn, Phùng Quán. Dế mèn phiêu lưu ký

 

Ngày nay, mọi người bắt đầu nói về một thế hệ mới - “thế hệ phù thủy”, khi câu chuyện cậu bé Harry Potter vượt qua biên giới nước Anh, lan rộng khắp toàn cầu. Đọc với người lớn là một quá trình sàng lọc cái đúng cái sai, cái phù hợp và không phù hợp. Nhưng với thiếu nhi, một quyển sách hay không chỉ là một sản phẩm giải trí lành mạnh, mà còn là một thế giới mới, một ước mơ mới đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhận thức của các em. Ngược lại, những tác phẩm nhuốm màu bạo lực, tình dục, kích động lòng căm thù, phân biệt sắc tộc... sẽ chẳng những không phù hợp với độ tuổi các em, mà còn để lại những hậu quả, di chứng rất lâu dài.

 

Mới đây, vụ thảm sát hàng loạt sinh viên, giáo sư tại Đại học Virginia (Hoa Kỳ), đặt cho dư luận khắp thế giới một dấu chấm hỏi lớn về một nền giáo dục, mà trong đó trọng tâm đặt trên nền tảng giáo dục từ thời thơ ấu. Dưới cái nhìn nước Mỹ, bi kịch của Cho là bi kịch của một nền “văn hóa súng ống”. Tuy vậy, nó còn là một bi kịch về sự lệch lạc trong việc tiếp nhận thế giới bên ngoài: thay vì một thế giới hòa bình, con người hòa thuận trong vòng tay của sự yêu thương, thì lại là một thế giới của sự hận thù, của những con người luôn sẵn sàng “hủy trái tim, chiếm đoạt tâm hồn và đốt cháy lý trí ta”.

 

Mấy ai có thể tiên đoán rằng tương lai của các thanh thiếu niên Hồi giáo trưởng thành dưới một môi trường thù hằn, bạo lực đối đầu với thế giới phương Tây mà Osama Bin Laden đang là người cầm cờ tiên phong, sẽ đi về đâu? Một nền “văn hóa đọc” của sự hận thù chỉ có thể sản sinh ra những con người yêu chuộng bạo lực và muốn giải quyết mọi vấn đề bằng sức mạnh từ vũ khí.

 

Nhà xã hội học lừng danh người Pháp Pierre Bourdieu khi nghiên cứu quá trình phát triển của một cá nhân đã phân định ra ba loại vốn: kinh tế, văn hóa và xã hội. Ông lưu ý đến quá trình tích lũy của vốn văn hóa ở dạng hàm chứa trong bản thân từng người, được hiểu như quá trình thu thập các kiến thức, kỹ năng của một người thông qua môi trường mà anh ta trưởng thành, đầu tiên là gia đình, sau đó qua xã hội mà có ảnh hưởng nhiều hơn cả là môi trường học đường.

 

Có thể nêu một thí dụ đơn giản: một cậu bé sinh ra trong gia đình cha mẹ là giáo viên dạy kinh tế sẽ có điều kiện sở hữu một vốn văn hóa kinh tế cao hơn so với các bè bạn cùng trang lứa. Tuy vậy, việc hình thành vốn văn hóa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu các đề tài về chống lạm phát, về chính sách thuế chẳng hạn, được thường xuyên thảo luận trong gia đình thì cậu bé sẽ dần dần tiếp thu một cách vô thức những khái niệm về kinh tế đó. “Vốn văn hóa” của em cũng bắt đầu khởi động, từ chỗ tò mò lục lọi tủ sách của người lớn đến việc tự đặt ra những câu hỏi đầu tiên về một vấn đề nào đó.

 

Có thể khẳng định rằng xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi chính là bước đầu tiên để khởi động quá trình tích lũy “vốn văn hóa” cho các em về sau. Như vậy, câu hỏi được đặt ra: ai sẽ là những kiến trúc sư chính cho sự nghiệp “trăm năm trồng người” này?

 

Từ góc nhìn tổng quát, một nền văn hóa đọc lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi cần được kích hoạt ít nhất bởi bốn tác nhân chính: các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các nhà quản lý văn hóa và đội ngũ những người sáng tác văn học. Bốn tác nhân này đã được nhiều chuyên gia đề cập đến.

 

Tại buổi hội thảo do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức, có các cây bút viết cho thiếu nhi thuộc nhiều thế hệ tham gia với tên gọi “Văn học thiếu nhi thời hiện đại”, nhà văn Lý Lan có đưa ra một nhận xét đáng chú ý: “Văn hóa đọc cho thiếu nhi cần xây dựng từ gia đình. Tại sao người lớn không đọc mà lại bắt thiếu nhi đọc sách!”.

 

Quả là, có quá nhiều gia đình mà bản thân các bậc phụ huynh không hề đọc sách, thế thì con em họ làm sao có thói quen đọc sách được? Nhà văn còn nêu thêm kinh nghiệm từ Mỹ: Ở nhà, giới phụ huynh khuyến khích thiếu nhi tìm đọc các sách hướng thiện và thầy cô giáo thì hướng dẫn học trò tìm đọc các cuốn sách rèn nhân cách.

 

Từ “văn hóa đọc”, nhà văn dẫn đến điều kiện tiền đề là phải nâng cao chất lượng dạy văn: việc đọc của thiếu nhi phụ thuộc vào cách dạy và học văn trong trường. Việc dạy văn ở ta đang chưa tốt, nên việc đọc sách của các em vì thế cũng chưa thể tốt được. Thực ra, dạy văn chỉ chú trọng làm cho được hai việc: thứ nhất, làm cho học sinh ngay từ bé thơ đã yêu ngôn ngữ mà các em được học và thứ hai, dạy cho các em thấy rằng ngôn ngữ đang được học là rất cần thiết trong cuộc sống.

 

Có thể kể thêm trường hợp của nước Đức. Không biết tự bao giờ, mà món quà sinh nhật phổ biến tại đất nước của các nhà thơ và các triết gia này luôn là những quyển sách được đóng gói một cách lịch sự và trang trọng. Văn hóa đọc có sức hút lớn, len lỏi đến mọi tầng lớp, mọi cộng đồng. Người Đức ham đọc, thích sách, sống với sách và bằng sách, buôn bán sách đến tận nơi, giàu có nhưng cũng thanh cao nhờ sách. Có lẽ vì thế mà khuynh hướng đến với sách gia tăng trong giới trẻ, số người đọc từ 14 tuổi đặc biệt thích đọc sách tăng từ 31-32%, 72% người trẻ thích sách, 31% rất yêu sách.

 

Từ hai trường hợp trên, có thể thấy rằng gia đình chính là tác nhân đầu tiên khởi động văn hóa đọc cho trẻ em. Thay vì mua đồ chơi điện tử, quần áo, truyện tranh… làm quà trong những dịp sinh nhật, lễ tết chúng ta nên bắt đều quá trình tích lũy vốn văn hóa cho con em bằng những đầu sách mang tính thông tin nhằm khơi dậy những đam mê còn chưa bộc lộ của trẻ.

 

Bên cạnh đó, cần định chế hóa những yếu tố tạo hình nên một nền văn hóa đọc cho trẻ em như tạo ưu đãi cho những nhà xuất bản phục vụ trẻ em, phát động những phong trào “nhà nhà đọc sách, người người đọc sách” bằng chính sách giáo dục, tạo điều kiện cho các cây bút “nhí” phát huy khả năng viết, phát động phong trào sáng tác ở những lứa tuổi khác nhau.

 

Ngoài ra, cần chấn chỉnh lại công tác xuất bản để tránh hiện tượng sách in lậu, ăn cắp bản quyền đang phổ biến. Những biện pháp vi mô nên được hỗ trợ bởi những chính sách vĩ mô của Nhà nước. Đã đến lúc mọi người phải bắt tay vào cuộc, vì một nền văn hóa đọc lành mạnh cho các chủ nhân tương lai của đất nước. Chuyện đọc của trẻ em phải là vấn đề của toàn xã hội!

 

Báo SGDN Cuối tuần

Các tin mới hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40588046