Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

DU HỌC CHÂU ÂU VÀ PHÁP: Khái quát về hệ thống giáo dục đại học tại Pháp

Cập nhật lúc: 11:51 AM ngày 19/01/2013

Đặc điểm nổi bật của hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở Pháp là phong phú về loại hình cơ sở đào tạo với các thủ tục tuyển sinh, phương pháp giảng dạy, mục đích đào tạo và đầu ra khác nhau. Trước hết là sự đa dạng về ngành học như kinh tế, thương mại, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội- nhân văn, khoa học chính trị, y, dược, luật, kiến trúc, nghệ thuật, điện ảnh… các trường đều cho phép chuyển trường đối với sinh viên có nhu cầu, tất nhiên phải phù hợp với khả năng của sinh viên chứ không thể chuyển từ ngành tự nhiên sang xã hội và ngược lại… điều đó cho phép sinh viên Pháp, châu Âu cũng như sinh viên thế giới đến Pháp học tập có thể xây dựng cho mình các kế hoạch học tập thích hợp với khả năng và nhu cầu.

Các trường đại học, cao đẳng ở Pháp tiếp nhận các học sinh Pháp và quốc tế đã tốt nghiệp trung học phổ thông (Giáo dục Pháp rất coi trọng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông- tức là bằng tốt nghiệp cấp 3 ở Việt Nam). Học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể tự do lựa chọn các chương trình đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn (3- 5 năm) trong các lĩnh vực học khác nhau có thiên hướng về nghiên cứu, về lý thuyết hay về thực hành… Sinh viên nước ngoài nếu đã tốt nghiệp đại học có thể đến Pháp học chuyên sâu, các cơ sở giáo dục của Pháp đều công nhận bằng cấp ở các nước đến Pháp tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ hay sau tiến sĩ hoặc học thêm một chuyên ngành khác. Nhiều chương trình cho phép người học học trực tiếp một chuyên ngành mới chứ không phải học lại đại học hoặc là giai đoạn đại cương.

Căn cứ về mặt thời gian, sau khi có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh sẽ trải qua ba giai đoạn học tập tiếp theo:

Giai đoạn I: Học 3 năm, tốt nghiệp được cấp bằng đại học (ở Việt Nam để tốt nghiệp đại học phải mất 4 năm trở lên).

Giai đoạn II: Học 5 năm tính từ lúc có bằng cấp 3, tốt nghiệp được cấp bằng thạc sĩ.

Giai đoạn III: Học 8 năm tính từ khi tốt nghiệp cấp 3, tốt nghiệp được cấp bằng tiến sĩ. Ngành y, dược phải học thêm một, hoặc hai năm nữa tức là khoảng 9 đến 11 năm sau khi có bằng trung học phổ thông để nhận bằng tiến sĩ về chuyên ngành y, dược.

Nếu xét về mô hình đào tạo, giáo dục đại học, cao đẳng ở Pháp có hai mô hình riêng biệt:

Mô hình 1 là mô hình đại học, cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp, mô hình này giống các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Rất ít trường ở Pháp tổ chức tuyển sinh đầu vào, vào bậc học đại học hoặc thạc sĩ. Đa số học sinh tốt nghiệp cấp 3 được xét tuyển căn cứ vào hồ sơ dự tuyển và nguyện vọng của họ.

Mô hình hai là mô hình các trường trọng điểm, đây là mô hình rất quan trọng ở Pháp, châu Âu và Bắc Mỹ. Để vào được các trường trọng điểm, học sinh tốt nghiệp cấp 3 phải qua thi tuyển với tính chọn lọc cao. Các trường trọng điểm cũng được phân loại theo chất lượng đào tạo và uy tín quốc gia, quốc tế của Pháp. Các trường trọng điểm của Pháp như Đại học Bách khoa, Mỏ- địa chất, Cầu đường, Hành chính quốc gia…hầu hết tập trung ở Pari và các thành phố lớn… đây là những cơ sở chủ yếu để tuyển chọn các chuyên gia kinh tế, thương mại, các nhà khoa học, các chính trị gia, các nhà quản lý kinh tế- xã hội…cho Pháp.

Ngoài đào tạo chuyên ngành, thường xuyên, còn có các chương trình đào tạo kết hợp lý thuyết với  thực hành chuyên sâu, có chất lượng ở các trường đào tạo kết hợp, cho phép người học sau khi tốt nghiệp ra trường có thể hành nghề ngay. Chẳng hạn các cơ sở đào tạo kiến trúc sư, nghệ sĩ, diễn viên, bác sĩ, dược sĩ…

Để học tập ở Pháp cũng như châu Âu, Bắc Mỹ… người học nên tìm hiểu thật kỹ các mô hình đào tạo trên để việc học tập, nghiên cứu được hiệu quả và tiết kiệm thời gian thích nghi. Đối với Pháp, trước khi đi các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam nên liên hệ trước với Hội và các chi hội sinh viên ở Pari và các thành phố hoặc các địa chỉ giáo dục tin cậy của Pháp trên internet như: www.enseignementsup-recherche.gouv.fr hay www.ac-paris.frwww.letudiant.fr

Các địa chỉ website của Pháp đều có cả bằng tiếng Pháp và tiếng Anh.

Trở lại giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở Pháp. Xin giới thiệu bậc đại học, cao đẳng ở Pháp. Tức là bậc đạo tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Trước năm 2000, bậc học này chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là học 2 năm đại cương, giai đoạn 2 là học tiếp hai năm chuyên ngành để nhận bằng cử nhân hoặc thạc sĩ bậc I (thạc sĩ nghề), giai đoạn 3 học 1 năm để nhận bằng thạc sĩ bậc 2 (thạc sĩ nghiên cứu) và học tiếp 3 năm để nhận bằng tiến sĩ (nếu có nhu cầu). Hiện nay, để thống nhất với các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng khác ở châu Âu, bậc học sau tốt nghiệp trung học phổ thông của Pháp được gọi là Cử nhân- Thạc sĩ- Tiến sĩ (và sau Tiến sĩ). Để nhận bằng Cử nhân, người học học tập 3 năm. Đối với bằng Thạc sĩ gọi là thạc sĩ 1 (thạc sĩ chuyên ngành) và thạc sĩ 2 (thạc sĩ nghiên cứu) người học đã có bằng đại học, học tập 1 năm đối với thạc sĩ 1 và 1,5 đến 2 năm với thạc sĩ 2.  Và để nhận bằng tiến sĩ, người học đã tốt nghiệp thạc sĩ 2 và học tập tiếp 3 năm. Tuy vậy, tuyển sinh đầu vào vẫn ít nhiều tuân thủ quy định trước năm 2000. Các bậc học của Pháp rất cởi mở đối với học sinh nước ngoài, nếu sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ ở Việt Nam hoặc bất kỳ nước nào đều được chấp nhận vào mức thạc sĩ 2 (ở Việt Nam đã học ít nhất 4 năm để có bằng đại học) và nghiên cứu sinh tiến sĩ (nếu đã có bằng thạc sĩ).

Đào tạo đại học ở Pháp học phí cho một năm học là trên dưới 500 ơ rô (khoảng gần 15 triệu việt nam đồng). Trong các trường không thuộc hệ thống đại học, cao đẳng của nhà nước thì tùy đó là trường công hay tư mà học phí có thể trên dưới 1000 ơ rô. Do khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới từ 2008 đến nay học phí cho việc học ở Pháp đã tăng hàng năm, nhất là ở các trường tư và các trường trọng điểm tất nhiên mức tăng không quá cao.

Đối với đào tạo cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Mục tiêu nhằm cung cấp các kiến thức và kĩ năng cơ bản để người học có thể đi làm sau hai hoặc ba năm học, học phí tùy cơ sở đào tạo, người học vẫn có thể tiếp tục học lên cao nếu có nhu cầu. Rất it học sinh, sinh viên nước ngoài đến Pháp để học cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp và học nghề.

Tổng quan về chương trình đào tạo đại học, đây là hệ đào tạo chính quy tập trung duy nhất ở Pháp. Quá trình đào tạo như trên đã đề cập, được chia làm ba bậc đào tạo: Cử nhân (học 3 năm); Thạc sĩ (1 đến 2 năm); tiến sĩ (3 năm). Đầu vào chủ yếu là thông qua xét tuyển.

Học đại học là cách học chính quy, liên tục nhất để học tiếp lên thạc sĩ và tiến sĩ, nhằm cung cấp những kiến thức  vững chắc cho người học; có nhiều lựa chọn ngành nghề sau tốt nghiệp; đầu vào dễ dàng thông qua xét tuyển hồ sơ (thường đã có bằng cấp 3 là được chấp nhận) tuy nhiên gần một nửa sinh viên thường bị đúp ở năm thứ nhất; cách học là theo các môn bắt buộc và học theo nhóm (hình thức đào tạo tín chỉ- từ 15 đến 25 giờ học/tuần; 20 giờ/tuần là tự học); Mỗi học kỳ có hai lần kiểm tra và thi và một lần thi lại; việc thực tập không bắt buộc… Tóm lại, ở bậc học cử nhân là độc lập đối với người học. Nếu người học biết sắp xếp hợp lý thời gian và chăm chỉ thì đó là điều kiện cần để thành công cho học tập.

Tuyển sinh đầu vào đại học. Với một bộ hồ sơ, học sinh tốt nghiệp cấp 3 có 2 hoặc 3 nguyện vọng để vào các trường theo mong muốn. Hồ sơ được chuẩn bị vào tháng 12 và vào nhập học vào tháng 9 năm sau đó.

 Đối với đào tạo cử nhân, hai năm đầu là học đại cương, giống đào tạo theo niên chế trước đây. Tuy nhiên hiện nay, do đạo tạo theo tín chỉ nên người học chỉ được cấp bằng sau 3 năm học, mặc dù vậy, nếu người học yêu cầu, các trường vẫn cấp chứng chỉ đại cương cho sinh viên nếu học tập thành công sau hai năm đầu (không bị đúp hay thi lại).

Hai năm tiếp theo trong hệ thống Cử nhân- Thạc sĩ- Tiến sĩ. Việc chuyển từ năm thứ 3 lên năm thứ 4 tức là từ cử nhân lên thạc sĩ là được phép nếu sinh viên năm thứ 3 (năm cuối của đại học lên cao học) đủ điểm và học lên cao học theo đúng chuyên ngành đào tạo của mình. Đầu vào cao học cũng xét tuyển. Học hết năm thứ 4, người học có bằng thạc sĩ 1 như đã nói ở trên tức là thạc sĩ chuyên ngành. Ngoài ra, hết năm thứ 3 của đại học, còn có đào tạo liên thông học một năm, chủ yếu cho sinh viên khối ngành kĩ thuật và công nghệ thông tin, truyền thông trước khi họ đi làm.

Nếu sinh viên tốt nghiệp đại học (3 năm) và cao học (1 năm) muốn học lên thạc sĩ 2 thì không được chuyển tiếp ngay, việc xét tuyển yêu cầu cao hơn. Tùy theo ngành đào tạo và các trường, hội đồng tuyển sinh có thể chỉ xem xét hồ sơ hay tổ chức thi tuyển bằng cách phỏng vấn… Học thạc sĩ 2 có rất nhiều chuyên ngành, được dạy ở cả các trường đại học nói chung và các trường trọng điểm. Thạc sĩ 2 tương đương với sinh viên năm thứ 3 ở trường trọng điểm vì để vào trường trọng điểm phải học qua lớp dự bị từ 1 đến 2 năm.

Sau đại học là đào tạo cao học (Thạc sĩ) ở Pháp. Có hai loại thạc sĩ, một là thạc sĩ chuyên ngành, một năm học tập nhằm đào tạo các kĩ thuật viên, chuyên viên…đào tạo thạc sĩ này thường lý thuyết đi liền với thực hành, các học viên phải có ít nhất một kỳ thực tập dài hạn tại các công ty, các nhà máy, xí nghiệp… ; hai là thạc sĩ nghiên cứu. Học một năm rưỡi đến hai năm trong đó, môt năm để chuẩn bị những kiến thức và phương pháp về nghiên cứu để có thể học tiếp lên bậc học cao hơn, hoặc làm công tác giảng dạy, nghiên cứu sau này. Sinh viên phải thực tập (phần lớn tại các cơ sở nghiên cứu) và phải bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Đào tạo tiến sĩ (hiện nay có cả sau tiến sĩ). Thời gian học tập, nghiên cứu là ít nhất là 3 năm. Đối tượng là các học viên đã tốt nghiệp thạc sĩ 2. Tuy vậy vẫn có các trường hợp thạc sĩ 1 được chấp nhận học tiếp lên tiến sĩ.

Tại Pháp, đối với các ngành đào tạo tiến sĩ thuộc khối khoa học tự nhiên và kỹ thuật, đề tài nghiên cứu có rất nhiều, vấn đề quan trọng là tìm được nguồn tài chính (học bổng) cho quá trình học tập và nghiên cứu. Nguồn kinh phí có thể được cấp bởi chính phủ Pháp, ngân sách dành cho nghiên cứu của các vùng, miền tại Pháp, của Bộ quốc gia giáo dục Pháp, ngân sách dành cho nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu, ngân sách từ các dự án nghiên cứu, học bổng của cộng đồng Pháp ngữ, chính phủ các nước… Việc chấp nhận học cho các nghiên cứu sinh thường do các cơ sở đào tạo quyết định, thông thường qua hồ sơ của các ứng cử viên tiến sĩ, sau đó là phỏng vấn, kết quả được tuyển hay không tùy thuộc vào kết quả của các ngành học thạc sĩ 2. Tại Pháp, nếu thực tập viên thạc sĩ 2 có kết quả nghiên cứu tốt tại các cơ sở thực tập sẽ được xem xét chuyển tiếp nghiên cứu sinh nếu họ có mong muốn học tiếp. Đối với sinh viên nước ngoài, điều quan trọng là ngoại ngữ (tiếng Pháp hoặc tiếng Anh theo quy định) và đề tài nghiên cứu phù hợp.

Nghiên cứu sinh có thể học tập, nghiên cứu ở bậc học tiến sĩ tại các phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo, tại các phòng nghiên cứu của các công ty trong khuôn khổ hợp tác với các cơ sở đào tạo. Nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Pháp vẫn được gọi là sinh viên và phải đăng ký học hàng năm, đóng lệ phí nhập học theo quy định của cơ sở đào tạo.

Các chương trình đào tạo ngắn hạn, tương đương như cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề ở Việt Nam gồm có đạo tạo kỹ thuật viên cho các ngành nghề và đào tạo công nghệ thông tin, truyền thông.

Đối với đào tạo kỹ thuật viên, thời gian là hai năm, một số ít kéo dài tới 3 năm. Người học có thể học ở các trường trung học phổ thông hay các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề. Loại hình này đào tạo khá chuyên nghiệp cho phép người học sau khi tốt nghiệp có thể làm được việc ngay. Các chương trình đào tạo kỹ thuật viên cho phép người học không những có những kiến thức nền tảng tốt mà còn đảm bảo những kỹ năng hành nghề trong thực tiễn theo lĩnh vực được đào tạo. Vì vậy, người học cần phải có những định hướng nghề nghiệp và công việc tương lai cụ thể trước khi theo học.

Mỗi lớp kỹ thuật viên bao gồm khoảng 30 sinh viên, cách thức giảng dạy sư phạm gần như năm học cuối cấp 3 của Pháp. Người học học 30- 40 giờ/tuần và nhiều bài tập về nhà. Cuối khóa học, để có bằng phải qua thi tuyển. Để vào học lớp kỹ thuật viên, thông thường phải qua thi tuyển hay qua phỏng vấn. Hồ sơ để tuyển sinh vào các lớp kỹ thuật viên đều có trên mạng và người học có thể tải về và hoàn thành theo yêu cầu hướng dẫn trong hồ sơ.

Đầu ra cho các lớp đào tạo kỹ thuật viên là tương đối thuận lợi, vì đa phần sau khi tốt nghiệp có thể đi làm ngay hoặc có thể tiếp tục theo học cử nhân chuyên ngành để có kiến thức sâu hơn trước khi đi làm. Hoặc có thể được xét tuyển vào các trường chuyên ngành thương mại hay kỹ sư, hay theo học một năm lớp dự bị để thi tuyển vào các trường trọng điểm.

 Đối với đào tạo công nghệ thông tin và kỹ thuật dân dụng ngắn hạn, người học thường học ở các trung tâm hoặc là viện tin học thuộc các trường đại học, thời gian học là hai năm, mục đích đào tạo là nhằm trang bị cho người học khả năng thích nghi với nhiều dạng ngành nghề. Nói chung là được trang bị những kiến thức về mặt lý thuyết tốt hơn, rộng hơn các sinh viên theo học kỹ thuật viên. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể đi làm ngay hoặc tiếp tục ở bậc học cao hơn. Các lĩnh vực chuyên ngành của công nghệ thông tin, kỹ thuật rất đa dạng như xây dựng, hóa- sinh, thông tin, điện tử, tin học, công nghiệp dân dụng, vật lý…cho đến thương mại (quản trị doanh nghiệp và quản lý hành chính)…các cơ sở đào tạo thường nằm trong trường đại học, học sinh được chia làm các nhóm nhỏ trong giờ thực hành và làm bài tập với chương trình sư phạm và phương pháp đào tạo hiệu quả. Tính chuyên cần trong môi trường học tập là bắt buộc. Kết quả học tập được đánh giá bởi bài thi, kiểm tra thường xuyên theo quy định. Nhiều cơ sỏ còn tổ chức thi tốt nghiệp.

Đầu vào cũng thông qua xét tuyển hồ sơ. Học sinh cuối cấp 3, gửi hồ sơ, ghi rõ nguyện vọng theo hồ sơ được yêu cầu trên internet. Học sinh có thể đăng ký tùy ý vào các ngành muốn học. Các thông tin tuyển sinh thường bắt đầu từ tháng 3 hàng năm.

Đầu ra cho người học cũng khá thuận lợi, người học tốt nghiệp có thể khởi nghiệp trong môi trường chất lượng cao. Một số có thể tiếp tục học cử nhân chuyên ngành để có kiến thức cao hơn, chuẩn bị cho việc học cử nhân nói chung và các khóa học thạc sĩ chuyên ngành sau khi đã có bằng cử nhân. Một số có thể được xét tuyển vào các trường chuyên ngành thương mại hoặc kỹ sư hay các lớp dự bị để chuẩn bị thi vào trường đại học trong điểm.

(Các bài tiếp theo, xin mời theo dõi tiếp ở file đính kèm dưới đây)

Lê Văn Chiến (NCS tại CH Pháp - Giảng viên BM Lịch sử, Khoa Khoa học Xã hội)

NewsImages/file/Khoa%20hoc%20xa%20hoi/Tin%20tuc/KHXH_52_47_Cac%20trong%20trong%20diem.doc

Các tin mới hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40585524