Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

Hội thảo khoa học Quốc gia "Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc"

Cập nhật lúc: 01:54 AM ngày 28/05/2019

Thực hiện kế hoạch năm học 2018 – 2019 về hoạt động khoa học và công nghệ, sáng 25/5/2019, tại cơ sở chính - số 565 Quang Trung, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp cùng Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu trong cả nước.

 

Với mục tiêu “Tạo cơ hội để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhìn lại những thành tựu và giới hạn của các sáng tác văn học về đề tài lịch sử dân tộc; động viên, khích lệ và, ở một mức độ nhất định, định hướng cho người sáng tác, nhằm giúp cho văn học về đề tài này đến gần hơn với độc giả; hội thảo cũng là dịp để các nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đọc hiểu các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào về lịch sử dân tộc”, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu trong cả nước.

Sau gần một năm kể từ ngày xây dựng ý tưởng và thông báo hội thảo, ban tổ chức đã nhận được hơn 60 bản đăng ký, hơn 50 bản tham luận toàn văn của các học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu, và các cơ quan và cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác như: Viện Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Thủ đô HN, Trường ĐHSPHN2, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Trường Cao đẳng Hải Dương, Trường ĐH Hồng Đức, Trường ĐH Văn hóa thể thao và du lịch Thanh Hóa, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Trường ĐH Khánh Hòa, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Thủ Dầu Một… và nhiều trường THPT ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhìn chung, các tham luận gửi đến hội thảo đều là kết quả của những nghiền ngẫm, nghiên cứu có chiều sâu, cả về thời gian lẫn học thuật. Bởi vậy, những vấn đề mà các học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu đặt ra/lí giải/đề xuất hy vọng sẽ có đóng góp ít nhiều đối với việc sáng tác và nghiên cứu - giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc.

Kỷ yếu hội thảo là tập hợp gồm 34 bài viết được chọn lọc từ hơn 50 tham luận toàn văn và được cấu trúc thành 3 phần: Những nghiên cứu khái quát; Những nghiên cứu trường hợp; Những nghiên cứu bàn về một số vấn đề trong dạy học văn học về đề tài lịch sử. Phần 1 và 2 của kỷ yếu được sắp xếp theo tiến trình văn học sử để tiện cho việc theo dõi của bạn đọc.

Tại hội thảo, bên cạnh các tham luận đã được chuẩn bị trước, nhiều ý kiến phát biểu thêm đã đề cập đến những vấn để rất quan thiết của việc sáng tác và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc như mối quan hệ giữa sự thật và hư cấu trong sáng tác về lịch sử; các giai đoạn hình thành, vận động và phát triển của văn học về đề tài lịch sử trong thời kỳ hiện đại; các khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XXI; truyện ngắn về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay – xu hướng và thành tựu nổi bật; diễn ngôn lịch sử trong một số tiểu thuyết tiêu biểu; đề tài lịch sử trong văn học qua bộ sách giáo khoa Lagarde et Michard của Pháp và chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam; giáo dục lòng yêu nước và các giá trị lịch sử cho học sinh trong chương trình Ngữ văn mới; vấn đề nên chọn những sáng tác như thế nào để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông…

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, ban tổ chức đã cùng các học giả, nhà báo, nhà văn thăm khu di tích quốc gia Lam Kinh, thăm động Từ Thức.

Cũng trong chuỗi hoạt động gắn với Hội thảo, Trường Đại học Hồng Đức cùng Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức buổi “Giao lưu giảng viên, sinh viên và các nhà văn”. Buổi giao lưu đã đem tới một không khí học thuật và đầy hứng thú đối với giảng viên và đặc biệt là sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Hồng Đức. Đây là sự gặp gỡ thú vị giữa người sáng tác, người nghiên cứu, người học về đề tài lịch sử dân tộc. Tại buổi giao lưu, các nhà văn đã trao đổi những suy tư, trăn trở, những khó khăn cũng như thành công trên con đường sáng tác, đồng thời giải đáp những thắc mắc của các em sinh viên và học viên trong quá trình học và nghiên cứu về các sáng tác của chính mình. Qua buổi giao lưu, tình cảm giữa giảng viên và sinh viên khoa Khoa học xã hội, trường Đại học Hồng Đức và các nhà văn đang công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội càng thêm gắn bó.

Hội thảo kết thúc để lại nhiều dư âm cho các đại biểu tham dự, khơi gợi nhiều ý tưởng và niềm hứng thú của người sáng tác, người nghiên cứu, giảng dạy và người học đối với văn học nói chung, văn học về đề tài lịch sử dân tộc nói riêng

Một số hình ảnh về hội thảo


  

  

Các học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm cùng BTC hội thảo và giảng viên trường ĐH Hồng Đức

  

 

 Các nhà văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Giảng viên,

sinh viên Trường Đại học Hồng Đức trong buổi giao lưu

 

                                                                                                                                                                        Tin và ảnh:  Lê Thị Nương


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40585420