Hong Duc university is the first placed for your future or there's a future since your name has been here!

ĐH Hồng Đức tổ chức hội thảo Quốc gia về “Phát triển sản phẩm địa phương theo mô hình mỗi làng một sản phẩm - OVOP”

Cập nhật lúc: 11:49 AM ngày 19/01/2013

Hôm nay, 24/11/2011, tại TP Thanh Hóa, được sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Năng suất Việt Nam phối hợp với Đại học Hồng Đức Thanh Hóa tổ chức Hội thảo quốc gia: “Phát triển sản phẩm địa phương theo mô hình OVOP tại Việt Nam”. Hội thảo được hỗ trợ bởi Tổ chức Năng suất Châu Á (APO).

Hội thảo đón chào sự hiện diện và những phát biểu quý báu của ông Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam, Ông Joselito Cruz Bernardo - Giám đốc Ban Nông nghiệp, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và Bà Nisakorn Jungjaroentham - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Công nghiệp khu vực 4, Cục Xúc tiến Công nghiệp, Bộ Công nghiệp Thái Lan. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện của các cơ quan chức năng, trường Đại học Hồng Đức, đại diện một số làng nghề thủ công truyền thống và  các đại biểu đến từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở khoa học và Công nghệ, đại diện các Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan liên quan tới hoạt động làng nghề, phát triển nông thôn.

ĐB1.JPG
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam

Tại hội thảo, đại diện của các cơ quan chức năng, trường Đại học Hồng Đức và đại diện một số làng nghề thủ công truyền thống đã đóng góp những tham luận nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển làng nghề tại các địa phương, chính sách phát triển làng nghề và chương trình OVOP tại Việt Nam hiện nay. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của ông Bernardo và bà Nisakorn với chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng mô hình phát triển phong trào OVOP tại các quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Lào. Hội thảo đã dành khoảng thời gian đáng kể để đưa ra những bài học thành công cũng như khó khăn về huy động nguồn lực địa phương, duy trì động lực cũng như vai trò của Chính phủ và chính quyền địa phương trong công cuộc phát triển phòng trào OVOP khắp trong và ngoài nước.

QT2.JPG
Ông Joselito Cruz Bernardo - Giám đốc Ban Nông nghiệp, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo


ĐB2.JPG
Bà Nisakorn Jungjaroentham - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Công nghiệp khu vực 4, Cục Xúc tiến Công nghiệp, Bộ Công nghiệp Thái Lan với câu chuyện làm OTOP tại đất nước Thái Lan

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (One Village, One Product - OVOP) bắt đầu tại Nhật Bản năm 1979. Thành công của Phong trào OVOP là phát triển được tiềm năng của các sản phẩm mang tính đặc thù địa phương, thúc đẩy tính sáng tạo, tự chủ, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng nông thôn, phát triển nguồn nhân lực tại chính các địa phương. Đến nay, Phong trào OVOP đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Malawi, Cameroon …với các tên gọi khác nhau, nhưng có đặc trưng là tạo ra các sản phẩm, các dịch vụ mang tính toàn cầu từ nguyên liệu địa phương.

Ở nước ta, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Các cơ chế chính sách này đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển nghề, ngành nghề, làng nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống ở nông thôn. Từ năm 2008 trở lại đây, Phong trào OVOP bắt đầu được quan tâm ở nước ta, nhưng mới ở mức nâng cao nhận thức thông qua tổ chức các hội thảo quốc tế và xây dựng các mô hình thí điểm ở một số tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hoà Bình) trong khuôn khổ các dự án do Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ và dưới dạng đề tài nghiên cứu khoa học tại các tỉnh Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung, ở nước ta hiện nay đang quan tâm nhiều đến việc phát triển số lượng nghề, làng nghề nông thôn, chưa thực sự chú trọng đến việc phát triển chất lượng các loại hình sản phẩm có tính độc đáo, tiêu biểu địa phương theo các nguyên tắc “Sản phẩm địa phương nhưng mang tính toàn cầu” của Phong trào OVOP Nhật Bản mà nhiều nước đang áp dụng.

Hoang Nam.JPG
TS Hoàng Nam - Phó HT trường ĐH Hồng Đức phát biểu tại hội thảo

Tại Thanh Hoá, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết, cơ chế chính sách phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Hiện tại Thanh Hóa cũng đã phát triển những sản phẩm địa phương thuộc các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản,  thủ công mỹ nghệ...nổi tiếng khắp cả nước như nghề dệt lụa tơ tằm ở huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa; nghề dệt chiếu ở Nga Sơn; nghề đan lát ở Thọ Xuân, Hà Trung, Cẩm Thủy; nghề gốm ở Thiệu Hóa, Hoằng Hóa; nghề rèn, đúc ở Hậu Lộc; chế biến thủy hải sản ở Tĩnh Gia…. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay đặc biệt là từ khi đất nước ta tiến hành đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, sự tác động của nền kinh tế thị trường cũng như sự biến động về dân số đã làm cho một số ngành nghề và sản phẩm truyền thống của Xứ Thanh đang ít được quan tâm hoặc dần bị mai một, bị thất truyền. Việc phát triển các sản phẩm mang tính độc đáo, tiêu biểu, thể hiện những tinh hoa của nét đẹp văn hoá truyền thống của Xứ Thanh, có lợi thế cạnh tranh cao theo nguyên tắc của sản phẩm OVOP đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó hội thảo lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, mở ra những hướng đi mới cho các ngành nghề, các sản phẩm đặc trưng của Thanh Hóa.

Thu Phuong.JPG
ThS Nguyễn Thị Thu Phương giới thiệu tiềm năng và một số hướng giải pháp góp phần phát triển sản phẩm địa phương tại Thanh Hóa

Nằm trong khuôn khổ hội thảo, chiều mai 25/11, các đại biểu sẽ đến tham quan một trong những mô hình tiêu biểu tại Thanh Hóa hiện đang phát triển các sản phẩm mây tre đan dựa trên các nguồn lực địa phương, đó là công ty Quốc Đại nằm trên địa bàn xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa. Từ năm 1999 đến nay, doanh nghiệp đã nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng như rổ, rá, sọt đựng hoa quả cung cấp cho các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Trung Quốc với số lượng lớn. Xác định uy tín, chất lượng là hàng đầu, các nghệ nhân làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã nên các sản phẩm rất đa dạng và phong phú. Hiện có tới 80% số hộ tham gia sản xuất tại nhà, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi, từ người già cho tới các em nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều tổ hợp tác sản xuất với quy mô lớn đã được hình thành, năng lực sản xuất 40 - 50 nghìn sản phẩm/ngày. Được biết đây là mô hình điển hình của Thanh Hóa, ở đó người dân được học nghề bài bản, doanh nghiệp tiếp cận được thị trường quốc tế, và quan trọng hơn cả người dân nơi đây đã và đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương với nghề mây tre đan với lịch sử hơn 100 năm tồn tại và phát triển với bao biến cố, thăng trầm.

Hội thảo kéo dài đến hết ngày 25/11/2011.

 

                                                                                                      Tin: Nguyễn Việt Hoàng

                                                                                                      Ảnh: Lê Văn Hà

Các tin mới hơn:

Video

Album

số lượt truy cập
40585541